(binhthuan.gov.vn) Sáng
26/11, tỉnh Bình Thuận tổ chức công bố và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp
nông thôn tiểu biểu năm 2024.
Năm 2024, toàn tỉnh có 50 sản phẩm
của 26 cơ sở đăng ký tham gia. Ban Tổ chức bình chọn và công bố 30 sản phẩm, bộ
sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình
Thuận năm 2024. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc nhóm sản phẩm
thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.
Trong đó, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chiếm 90%
trong số 30 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám
đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận, so với các kỳ bình
chọn trước đây, các sản phẩm tham gia lần này đa dạng, phong phú hơn về mặt chủng
loại, mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng được các
đơn vị chú trọng nâng cao, một số cơ sở có thêm sản phẩm mới và cũng có
nhiều sản phẩm đăng ký tham gia lần đầu. Các sản phẩm năm nay cơ bản là những sản
phẩm đặc thù của tỉnh Bình Thuận như nước mắm, thanh long, ... Nhiều sản phẩm
được đánh giá cao về quy mô sản xuất, đang được thị trường chấp nhận và có khả
năng phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một số sản phẩm tham
gia bình chọn năm nay thực hiện khâu đóng gói, dán nhãn được làm bằng thủ công
nên không đồng đều, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Có một số sản phẩm
sử dụng chai nhựa để đóng gói. Việc sử dụng chai nhựa có ưu điểm gọn nhẹ, giá
thành rẻ, nhưng lại không thân thiện với môi trường. Do đó, nên khuyến khích cơ
sở thay đổi sang chai thủy tinh, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa góp phần
bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Vũ Ngoan, Phó Giám đốc
Sở Công Thương: Việc công nhận và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu
biểu là động lực rất lớn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tích cực hơn trong
việc thiết kế, sáng tạo ra những mẫu mã mới, sản phẩm có chất lượng, tạo động lực
thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh
nhà. Đồng thời, là cơ hội giới thiệu các thành tựu phát triển, mặt hàng truyền
thống, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nghiên cứu mở rộng thị trường, liên doanh
liên kết, trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư với mục đích nâng cao năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế.
Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị
trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các đơn vị và đặc biệt là các doanh
nghiệp, cơ sở cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hợp lý hóa sản xuất, nâng cao chất
lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm để vượt qua các khó khăn, thách thức.
Các Hiệp hội ngành nghề cần làm tốt vai trò là đầu mối liên kết nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho các đơn vị tiếp cận được các chương trình, chính sách hỗ trợ
của Nhà nước dành cho các đơn vị trong quá trình sản xuất từ khâu thu mua, tuyển
chọn nguyên liệu sản xuất, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản
xuất, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
TT Dân