Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
(binhthuan.gov.vn)
Chiều ngày 06/02, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc
năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc
tỉnh chủ trì Hội nghị; tham dự có lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, địa phương.
Trong năm 2024,
tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2021 – 2030). Kết
quả, đến nay tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản
ổn định, hệ thống chính sách dân tộc đã được ban hành khá toàn diện trên hầu khắp
các lĩnh vực, gắn với tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc
phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Ban
Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi chủ động phối hợp với các
đơn vị cung ứng giống, phân bón; tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo
vệ thực vật và kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước cho các hộ đồng
bào dân tộc thiểu số. Thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp lai
theo chuỗi giá trị tại 10 xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh cho 493 hộ/589 ha;
phối hợp với UBND các xã triển khai cho hộ dân đăng ký nhu cầu đầu tư ứng trước
năm 2024. Tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản do đồng bào dân tộc thiểu số sản
xuất ra, bảo đảm giá cả có lợi nhất cho đồng bào…
Tính đến ngày
31/12/2024, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của toàn tỉnh là 1.446 hộ,
chiếm 5,56% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 29,81% so với tổng số hộ
nghèo của toàn tỉnh, giảm 591 hộ so với tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu
năm (2.037 hộ); số hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số là 2.202 hộ, chiếm
8,47%, so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, giảm 625 hộ so với hộ cận nghèo dân
tộc thiểu số đầu năm (2.827 hộ) và chiếm 21,63% so với tổng số hộ cận nghèo
toàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện
có 07/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã đạt chuẩn nông
thôn mới là: Xã Hải Ninh, xã Phan Thanh, xã Phan Hiệp, xã Phan Hoà, xã Sông Luỹ,
xã Phú Lạc, xã Đông Tiến. Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông
thôn mới được thực hiện khá tốt, đến nay 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số
đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, sử dụng điện lưới Quốc
gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông và nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ góp
phần mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ, tạo điều kiện
chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Bà Thanh Thị Minh Hiền - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo
tại Hội nghị
Tuy nhiên, thời
gian đầu năm 2024, do thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài đã dẫn đến tình trạng
hạn hán làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người
dân trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ
phận đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống còn khó khăn, thiếu kinh nghiệm, thiếu
vốn sản xuất, nhưng ngại vay vốn đầu tư phát triển; có nơi đồng bào dân tộc thiểu
số còn thiếu đất sản xuất hoặc sử dụng đất Nhà nước cấp chưa hiệu quả. Tỷ lệ hộ
nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương vẫn còn cao.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong năm 2025,
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND
các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu
số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy hiệu quả sử dụng
đất sản xuất do Nhà nước cấp; duy trì, phát huy hiệu quả công tác khoán bảo
vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện hiệu quả Đề án phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số
88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; Chương trình mục tiêu
Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn (2021 - 2030).
Tiếp tục thực
hiện có hiệu quả các chính sách của địa phương, như chính sách hỗ trợ đầu tư
phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên; chương trình đầu
tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy định mức hỗ trợ đóng bảo
hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số. Duy trì và triển khai thực hiện tốt chương
trình phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh với các Sở, ban, ngành của tỉnh, các địa
phương và chương trình giao lưu, kết nghĩa giữa các Sở, ngành và lực lượng
vũ trang cấp tỉnh với các xã thuần dân tộc thiểu số và thôn dân tộc thiểu số
xen ghép. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm
cung cấp kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số,
miền núi; hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả,
phù hợp trên từng địa bàn.
Nguyễn Phương