(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 31/7/2024, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phân viện Kinh tế và Quy hoạch
thuỷ sản phía Nam tổ chức Hội thảo “Đề án phát triển nuôi biển tỉnh Bình Thuận
lần 2”. Đồng chủ trì Hội thảo có ông: Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Hoài Giang - Phân Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản
phía Nam; Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, Chủ tịch Hội tôm Bình Thuận.
Tham dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan và đại diện UBND các huyện,
thị xã, thành phố vùng biển; một số doanh nghiệp và ngư dân nuôi trồng thuỷ sản
trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, việc nuôi trồng thuỷ sản trên
biển đã tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho ngư dân ở các địa phương vùng biển của tỉnh, trong đó có
nhiều ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ đã chuyển đổi nghề sang nuôi
biển. Hiện nay, nghề nuôi biển tập trung ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm
Thuận Nam, Phú Quý và thành phố Phan Thiết, đối tượng con nuôi chủ yếu là cá bớp,
cá chim, ốc hương, bào ngư, sò, cá mú, tôm hùm... Năm 2016, số lượng lồng nuôi toàn tỉnh là 1.670 lồng,
sản lượng 339,4 tấn thuỷ sản; đến năm 2020 số lượng lồng nuôi tăng lên 2.160 lồng,
sản lượng 534,9 tấn; năm 2023, có 129 hộ nuôi/142 cụm bè nuôi/3.081 lồng nuôi
trên biển, sản lượng đạt 808 tấn. Ngoài ra, trữ lượng nuôi các loài nhuyễn thể
2 mảnh vỏ tại các địa phương vùng biển của tỉnh cũng rất lớn, hàng năm khai thác có thể đạt 25.000
- 30.000 tấn.

Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, nghề nuôi biển tỉnh Bình Thuận vẫn
còn có những khó khăn, thách thức nhất định. Đó là, vùng biển của tỉnh không có
các vịnh lớn, kín gió để phát triển mạnh nuôi biển mà dọc chiều dài bờ biển là
bãi ngang nên dễ bị ảnh hưởng của các cơn bão hay áp thấp nhiệt đới hàng năm; chất lượng
môi trường nước có nhiều biến động dẫn đến hiện tượng cá bị chết đột ngột; vùng nuôi tại huyện Phú Quý đã quá tải,
với số lượng lồng bè nuôi khá dày; công nghệ sản xuất giống một số loài thuỷ sản chưa có, chủ yếu
phụ thuộc vào tự nhiên và nhập khẩu; thị trường tiêu thụ, giá cả đầu ra không
ổn định; việc phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Theo Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành Quốc gia biển mạnh, kinh tế biển đóng
góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, tham gia chủ động và có trách nhiệm
vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển, đại dương. Về Nuôi trồng
thuỷ sản,
chuyển từ nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ
cao, tạo đột phá nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Với tỉnh Bình Thuận, tiềm năng nuôi biển là rất lớn, đặc
biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ
cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; nhu cầu tiêu thụ
thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, có xu hướng thay thế và giảm áp lực cho
khai thác thủy sản. Xuất phát từ những yêu cầu thực tế, khách quan đó, việc thực
hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết.

Ông Nguyễn
Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát
biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn
Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong thời
gian tới Ngành Thuỷ sản của tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện khai thác thuỷ sản
vùng ven bờ, vì vậy “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình
Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ góp phần giải quyết bài toán chuyển
đổi nghề từ khai thác thuỷ sản ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền
vững hơn. Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh
thái đang ngày càng bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức của con người.
Theo ông Nguyễn Văn
Chiến, việc thực hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản
trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm cụ thể hóa
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của cả nước đến năm 2045; phân
vùng, bố trí lại các khu nuôi biển hợp lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại,
phát huy những điểm mạnh và lợi thế; đảm bảo sinh kế của người dân địa phương; thu hút các doanh nghiệp đầu
tư, tạo động lực cho nghề nuôi biển của tỉnh Bình Thuận trở thành ngành công
nghiệp nuôi biển hiện đại và bền vững, khai thác có hiệu quả tiềm năng nuôi trồng
thủy sản trên biển của tỉnh. Đồng thời, Đề án còn góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với
tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo của
Tổ quốc.
Thông qua Hội thảo lần này, ông Nguyễn Văn Chiến
mong muốn sẽ nhận
được nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh
nghiệp và cộng đồng ngư dân, từ đó
có cơ sở hoàn thiện nội dung Đề án “Phát triển nuôi trồng
thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh
giá hiện trạng nuôi biển của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua; kế hoạch nuôi
biển trong thời gian tới, phân vùng nuôi, đối tượng nuôi tại các vùng biển của
tỉnh Bình Thuận; những giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên
biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045”.
Nguyễn Phương