Hội thảo Đối tác công tư về đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh của khu vực tư nhân được tăng cường trong chuỗi giá trị thanh long xanh

(binhthuan.gov.vn)
Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào Nông nghiệp các-bon thấp
và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định
(NDC) của Việt Nam” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với
UNDP thực hiện tại tỉnh Bình Thuận, sáng ngày 17/11, Trung tâm Khuyến nông tỉnh
phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo Đối
tác công tư về đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh của khu vực tư nhân được tăng cường
trong chuỗi giá trị thanh long xanh. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia
trong lĩnh vực liên quan cùng nhiều nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Thanh long được
xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Đến cuối năm 2022, toàn
tỉnh có 27.788 ha thanh long với sản lượng khoảng 594.000 tấn. Hiện nay, thanh
long được trồng tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại
các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Những năm gần đây, Bình Thuận
luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng trái thanh long bằng việc tạo điều kiện
cho các hợp tác xã, doanh nghiệp học hỏi, cập nhật những thông tin mới từ các
rào cản kỹ thuật; hướng tới hình thành các chuỗi giá trị sản xuất thanh long sạch,
nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ; trong đó, chuỗi giá
trị thanh long xanh là một điển hình.
Dự án “Thúc đẩy sự
tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của
ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam” do UNDP tài trợ được thực
hiện tại huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam, nhằm hướng
tới kết quả nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng thanh
long được cải thiện thông qua các giải pháp mới, sáng tạo và sử dụng có hiệu quả
các nguồn tài nguyên, hướng đến sản xuất kinh doanh phát thải các bon thấp và bền
vững.

Ông Phan Văn Tấn,
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chào mừng hội thảo
Ông Phan Văn Tấn,
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau gần 3 năm triển
khai, Dự án đã thúc đẩy tái sản xuất cho ngành hàng thanh long vươn lên sau đại
dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một số hỗ trợ xanh về bóng đèn Led; hệ thống tưới;
chứng nhận GlobalGAP… giúp bà con trong dự án nâng cao năng suất, sức cạnh
tranh, hình thành chuỗi cung ứng xanh, góp phần sản xuất thích ứng biến đổi khí
hậu. Việc triển khai Dự án cũng làm thay đổi tư duy, nhận thức, hướng đến hành
động tích cực của một bộ phận người sản xuất trong và ngoài dự án về vấn đề biến
đổi khí hậu; về phát thải các-bon thông qua đào tạo, tập huấn, các cuộc chia sẻ
kinh nghiệm cùng chuyên gia, các hội thảo. Ngoài ra, bước đầu thực hiện tốt chủ
trương về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm đẩy mạnh thương mại điện
tử, thúc đẩy bán hàng đa kênh… cho sản phẩm thanh long...

Đại biểu dự hội
thảo
Tại hội thảo, các
hợp tác xã, các doanh nghiệp thuộc dự án đã cùng nhau thảo luận, đánh giá một số
hoạt động, hiệu quả trong quá trình triển khai Dự án. Đồng thời, trình bày kế
hoạch sản xuất kinh doanh thanh long xanh có ứng dụng những công nghệ tiến bộ
nhằm giảm phát thải các bon. Các đại biểu cũng đề xuất phương án nhằm tạo nguồn
lực, các chính sách tiếp cận tài chính xanh trong thời gian tới…
TT Dân