Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối hệ sinh thái du lịch”

(binhthuan.gov.vn)
Sáng ngày 16/5, tại Seahorse Resort & Spa, Liên hiệp
các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Hiệp hội du lịch Bình Thuận
và Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) tổ
chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển
đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối hệ sinh thái du lịch tỉnh Bình
Thuận”.
Đây là chủ đề mang tính thời sự, cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh hội nhập
và chuyển đổi số sâu rộng. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và hơn 130
chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp
công nghệ và du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở
Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông tin: Trong thời gian qua, ngành
du lịch Bình Thuận đã có bước phát triển khá toàn diện, từng bước khẳng định là
ngành kinh tế trọng điểm. Năm 2024 đón 9,68 triệu lượt
khách, đạt 101,36% kế hoạch, tăng 15,91% so với năm 2023,
doanh thu hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 14,44%.
Riêng trong dịp lễ 30/4 -1/5 năm nay, du lịch
Bình Thuận ước đón 228.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú; công suất phòng
lưu trú vào các ngày cao điểm bình quân khoảng 75 - 95%, doanh thu ước đạt 450
tỷ đồng. Tuy nhiên, để du lịch Bình Thuận phát
triển nhanh, bền vững, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao cho rằng cần
phải có những đột phá trong tư duy, cách làm và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là
chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tham gia hội
thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, bàn thảo 3 nội dung chính: Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu trong
ngành du lịch; xu hướng công nghệ mới – Thực tế ảo (VR), dữ liệu lớn (Big
Data), nền tảng kết nối hệ sinh thái du lịch; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al)
nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Phát biểu
tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận cho biết: Thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ số vào
du lịch sẽ giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch cho chuyến đi; tiết kiệm thời gian và chi phí đặt dịch vụ; trải nghiệm du lịch cá nhân hóa và tiện lợi hơn; tiếp cận thông tin đa dạng và hấp dẫn về điểm đến. Bên cạnh đó, còn giúp doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường và tiếp
cận khách hàng tiềm năng; tối ưu hóa quy trình quản
lý và vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ và trải
nghiệm khách hàng; thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra
các chiến lược kinh doanh hiệu quả….
Hiện tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai đồng bộ nhiều
chính sách, chương trình hành động cụ thể, nhằm từng bước chuyển dịch ngành du
lịch sang môi trường số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh – nơi mà mỗi
điểm đến, mỗi sản phẩm, dịch vụ đều được số hóa, kết nối và tối ưu hóa trải
nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra như: Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ,
nhiều khu vực còn thiếu kết nối internet ổn định; thiếu nhân lực chất lượng
cao; kinh phí số hoá còn hạn chế…

Với những
khó khăn trên, ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch cho rằng cần
có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức
khoa học – công nghệ và người dân để cùng tháo gỡ, tạo bước đột phá thực chất
trong quá trình chuyển đổi số toàn ngành. Để du lịch Bình Thuân sớm bắt kịp với
xu hướng phát triển của thế giới, hiện nay, tỉnh ta đã sớm đưa ra
một số định hướng và giải pháp chủ yếu, như xây dựng các đề án chuyên biệt về
chuyển đổi số ngành du lịch; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin – viễn
thông tại các khu, điểm du lịch; tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ
nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain, điện toán đám mây...
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí
Minh cho rằng: Việc ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch Bình Thuận sẽ mang lại
nhiều lợi ích về thúc đẩy sản xuất; tăng tính trải nghiệm của khách hàng; quản
lý dữ liệu hiệu quả, liên kết hệ sinh thái; tối ưu hoá hoạt động vận hành; tăng
tính cạnh tranh; tăng cường tiếp thị và quảng bá; cơ quan chức năng chủ động hoạch
định chính sách...
Có thể thấy,
chuyển đổi số và AI không còn là lựa chọn mà là con đường bắt buộc để
nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch địa phương. Muốn đi nhanh, cần có sự liên
kết: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Cộng đồng. Với quyết tâm
chính trị cao, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự năng động của cộng đồng
doanh nghiệp và sự đồng hành của các chuyên gia công nghệ, chúng ta tin tưởng rằng
ngành du lịch Bình Thuận sẽ từng bước vươn mình mạnh mẽ, bứt phá, tiến tới mục
tiêu hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững và nhân văn.
Phạm Huệ