(binhthuan.gov.vn) Năm
2024, Bình Thuận thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.700 tỷ đồng, hơn 106% dự
toán do Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao, tăng hơn 2,14% so với
cùng kỳ. Kết quả thu ngân sách Nhà nước là một trong những điểm sáng của bức
tranh kinh tế của tỉnh năm 2024. Đây là kết quả tích cực từ việc thực hiện đồng
bộ các giải pháp trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành thu ngân sách.
Đồng bộ các giải pháp
Xác định năm 2024, tình hình thu
ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế
giới, trong nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn
thuế, phí làm ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách Nhà nước. Trước tình hình
trên, Ban Chỉ đạo thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tỉnh đã tập
trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với
các dự án, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua
khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng
thu cho ngân sách.
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo
thu và chống thất thu NSNN đã tích cực nắm bắt tình hình thuộc lĩnh vực ngành,
địa phương mình phụ trách để xử lý, giải quyết hoặc tham mưu cho cấp thẩm quyền
giải quyết; tăng cường phối hợp với ngành Thuế tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh
chỉ đạo kịp thời về giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024; phối hợp đôn đốc
thu hồi nợ đọng thuế, xử lý cưỡng chế nợ…
Công chức ngành thuế nỗ lực hỗ trợ
người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã thực
hiện đồng bộ nhiều biện pháp đẩy mạnh thu nợ và xử lý nợ đọng thuế; ước tính
trong năm 2024, ngành thuế đã ban hành trên 1,87 triệu lượt thông báo tiền nợ
thuế cho người nộp thuế, thực hiện công khai thông tin 1.267 người nộp thuế có
số nợ thuế quá hạn phải cưỡng chế, nợ chây ỳ với số tiền nợ công khai 2.664 tỷ
đồng; ban hành 3.330 quyết định cưỡng chế với số tiền 3.163 tỷ đồng, 286 thông
báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế với số tiền 320 tỷ đồng. Qua đó,
đã thu hồi được 221 tỷ đồng tiền nợ thuế.
Ngành thuế tình cũng tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, chống
thất thu NSNN, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế,
kê khai không đủ thuế, có dư địa thu lớn: bất động sản, giao dịch liên kết,
thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng vốn, dự án,...
Đặc biệt, trước yêu cầu đẩy nhanh
tiến độ xử lý nghĩa vụ tài chính về đất đai, Cục Thuế tỉnh đã huy động công chức
làm việc các ngày cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết
hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính về đất đai cho người dân. Kết quả chỉ trong 20
ngày (25/10 - 14/11/2024), toàn ngành đã tập trung giải quyết dứt điểm 8.811 hồ
sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất tồn đọng từ ngày 1/8/2024 do vướng giá đất.
Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ
đạo, hoạt động tích cực của các thành viên, sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành
thuế tỉnh, kết quả thu NSNN năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 10.700 tỷ đồng, bằng
106,47% dự toán, tăng so cùng kỳ năm trước 2,14%; 10/10 địa bàn huyện, thị xã,
thành phố đều đạt và vượt dự toán năm, trong đó có 2 địa bàn vượt cao so với dự
toán: Phan Thiết ước thực hiện 1.917 tỷ đồng, đạt 140% dự toán (tương ứng vượt
548 tỷ đồng) và thị xã Lagi ước thực hiện 378 tỷ đồng, đạt 197,85% dự toán
(tương ứng vượt 187 tỷ đồng). Đặc biệt chỉ tiêu thu ngoài quốc doanh tăng trưởng
cao nhất so với những năm trước và so với cả giai đoạn trước đây, tăng xấp xỉ
50%, số tuyệt đối vượt trên 800 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu thu đánh giá sự tăng
trưởng của địa phương.
Với nhiều thành tích đạt được
trong năm 2024, nhiều tập thể, cá nhân ngành thuế tỉnh đã được Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế và Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các thành viên Ban Chỉ đạo thu và chống thất thu
ngân sách tỉnh
Khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn
thành và vượt mức dự toán thu NSNN năm 2025
Bên cạnh kết quả đạt được, công
tác thu ngân sách của tỉnh trong năm 2024 vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải
được khắc phục như: Nguồn thu còn nhỏ lẻ, chưa có nguồn thu chủ lực; nguồn thu
từ đất liên tục giảm sâu dẫn đến tiền sử dụng đất thuộc khối tỉnh quản lý đạt
thấp; nguồn thu một số nhóm ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh có dấu hiệu chững
lại và giảm; tỷ lệ nợ đọng thuế năm 2024 còn cao, ước tính 1.599 tỷ đồng…;
ngoài ra, một số người nộp thuế cố tình chây ỳ nợ thuế, chưa kịp thời chấp hành
nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách, dẫn đến nợ đọng thuế tăng cao.
Năm 2025, ngành thuế được Thủ tướng
Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh giao dự toán là 10.400 tỷ đồng; trong đó thu nội địa
9.250 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.150 tỷ đồng. Để phấn đấu
hoàn thành thắng lợi dự toán thu NSNN được giao, bà Trần Thị Diệu Hoàng - Cục
trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh,
ngay từ tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu triển
khai thực hiện kế hoạch thu ngân sách từng tháng, từng quý. Theo dõi chặt chẽ
tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng
sắc thuế, quản lý, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh,... Đồng
thời, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu theo
chức năng quản lý thuế.
Theo đó, toàn ngành thuế sẽ tăng
cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn
thu và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách; triển khai hiệu quả, kịp thời các
chính sách miễn giảm thuế, đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh chóng, kịp thời. Tiếp
tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều
hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế, hỗ trợ,
tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế nhằm tạo sự đồng
thuận trong thực thi nghĩa vụ với NSNN.
Triển khai thực hiện kế hoạch
thanh tra, kiểm tra tại trụ sở Người nộp thuế đảm bảo thời gian, tiến độ theo
quy định. Phối hợp hiệu quả với các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp
trong công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, đặc biệt đối với hoạt động
thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... Đẩy mạnh đôn đốc, thu hồi và
xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống mức thấp nhất.
Ngoài ra, ngành thuế sẽ tăng cường
chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thuế, số hóa các khâu trong quản lý thuế
như: kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, đẩy mạnh ứng dụng Etax Mobile,... nhằm
hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ cũng như được hưởng
quyền lợi về thuế.
TT Dân