Công ước UNCLOS năm 1982 là “Xương sống” để Việt Nam ban hành chính sách và hệ thống pháp luật về biển

(binhthuan.gov.vn)
Là một trong 107 quốc gia đầu tiên ký Công ước UNCLOS và là quốc gia thứ 63 phê
chuẩn UNCLOS trước khi Công ước chính thức có hiệu lực, Việt Nam luôn đề cao,
khẳng định tầm quan trọng, tính toàn vẹn và giá trị phổ quát của UNCLOS, luôn
tuân thủ và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của Công ước.
Công ước Liên hợp
quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được các quốc gia ký kết, chính thức có hiệu
lực vào năm 1994. Từ đó tới nay, UNCLOS luôn được cộng đồng quốc tế công nhận rộng
rãi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là điều ước quốc tế đa phương quan trọng
nhất, là văn kiện pháp lý toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh tất cả vấn đề trên
không gian biển.
Ngày 23/6/1994,
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước UNCLOS
1982, “biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp
lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”. Việt Nam luôn
luôn đề cao, khẳng định tầm quan trọng, tính toàn vẹn và giá trị phổ quát của
UNCLOS, luôn tuân thủ và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của Công
ước.
UNCLOS là điều
ước quốc tế duy nhất được nêu tên đầy đủ tại các Văn kiện Đại hội Đảng của Việt
Nam, là cơ sở để Việt Nam tiếp tục ban hành các chính sách và hoàn thiện hệ thống
pháp luật quốc gia liên quan biển và hải đảo theo hướng phát triển bền vững,
đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế,
trong đó có UNCLOS. Trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đặt ra mục tiêu
“sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc
gia cho phù hợp với UNCLOS”. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt
Nam vào ngày 21/6/2012, đánh dấu lần đầu tiên nước ta có một bộ luật toàn diện
về biển. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất, đầy đủ nhất về các vấn đề liên
quan tới vùng biển Việt Nam như cách xác định và chế độ pháp lý của các vùng biển
Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa), hay các nội dung liên quan đến quản lý và bảo vệ biển, phát triển
kinh tế biển, hợp tác quốc tế về biển, tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý vi
phạm… Luật Biển Việt Nam năm 2012, về cơ bản đã nội luật hoá các quy định của
UNCLOS. Ngoài ra, Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản pháp luật, pháp quy khác
điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau trên không gian biển như bảo vệ
môi trường biển, dầu khí, hàng hải, thuỷ sản…

Việt Nam có lập
trường nhất quán về vấn đề trên biển, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật,
coi Công ước là cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động trên biển, bao gồm giải
quyết hoà bình các tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng, hướng tới quản
trị hoà bình, bền vững các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Cụ thể, Nghị quyết
36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược
phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
xác định mục tiêu tổng quát đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Trong
đó, Nghị quyết đề cập nội dung chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại,
hợp tác quốc tế về biển, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các
lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực
giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp
hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, giữ gìn môi trường hoà
bình, ổn định và hợp tác để phát triển.
Trên thực tiễn,
Việt Nam đã vận dụng linh hoạt Công ước trong giải quyết các khác biệt bất đồng
trên biển, thành công phân định biển với một số quốc gia láng giềng, trong đó đề
cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Việt Nam đã ký với Thái
Lan Hiệp định về phân định biển năm 1997; ký với Trung Quốc Hiệp định về phân định
Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Với Indonesia, Việt Nam đã ký Hiệp định về phân định thềm
lục địa năm 2003; hoàn tất quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế
năm 2022.
Bên cạnh đó,
trên cơ sở UNCLOS, Việt Nam cùng một số quốc gia láng giềng tiến hành một số hoạt
động hợp tác tại khu vực, như: Chương trình khảo sát nghiên cứu khoa học biển
chung giữa Việt Nam và Philippines, hay Thoả thuận ba bên về thăm dò địa chấn
chung giữa các công ty dầu khí của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Hiệp định
về hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ (ký kết năm
2000) cũng được xem là kiểu mẫu trong hợp tác nghề cá. Thoả thuận hợp tác khai
thác chung giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992, theo đó hai bên đã thoả thuận hợp
tác khai thác chung tại vùng chồng lấn theo nguyên tắc chia sẻ chi phí và phân
chia đồng đều; đây là thoả thuận song phương đầu tiên giữa Việt Nam và các nước
trong khu vực đối với vùng biển chồng lấn, trước khi UNCLOS có hiệu lực nhưng
hoàn toàn phù hợp với tinh thần UNCLOS.

Việt Nam đã,
đang và sẽ tích cực tham gia đóng góp vào nhiều diễn đàn về luật biển và đại
dương; vào các vấn đề biển và đại dương đang được cộng đồng quốc tế quan tâm
như biến đổi khí hậu, rác thải đại dương, đa dạng sinh học. Lần đầu tiên, Việt
Nam cùng Đức khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập nhóm Bạn bè UNCLOS năm
2020, thúc đẩy trao đổi về UNCLOS và hợp tác về các vấn đề quan tâm chung (hiện
nay Nhóm có hơn 120 nước tham gia, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý). Việt
Nam tích cực tham gia các cơ chế thành lập trong khuôn khổ UNCLOS như đề cử
danh sách trọng tài viên và hoà giải viên, tiến cử chuyên gia vào Uỷ ban pháp
lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương. Lần đầu tiên,
năm 2024, Việt Nam đề cử ứng viên cho vị trí thẩm phán Toà án quốc tế về Luật
Biển nhiệm kỳ (2026 - 2035).
Bên cạnh đó, Việt
Nam tích cực tham gia vào các hiệp định thực thi trong khuôn khổ của Công ước
UNCLOS như: Hiệp định thực thi Phần XI của UNCLOS về Vùng (từ năm 2006) và Hiệp
định thực thi UNCLOS về quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (từ năm 2018). Việt
Nam tham gia tích cực vào quá trình đàm phán và là một trong những nước đầu
tiên ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng
nằm ngoài quyền tài phán quốc gia ngay sau khi được mở ký. Việt Nam tham gia
tích cực vào các thủ tục xin ý kiến tư vấn ITLOS và Toà án công lý quốc tế về
nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Như vậy, có thể
thấy rằng, với lập trường nhất quán, cùng những nỗ lực và việc làm thực tiễn,
Việt Nam đã, đang và tiếp tục thể hiện vai trò, tinh thần trách nhiệm của thành
viên Công ước trong việc tuân thủ, thực thi, góp phần củng cố tính toàn vẹn và
giá trị phổ quát của Công ước này. Tháng 2/2025, nhóm các nước thành viên Châu
Á- Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Chủ
tịch Hội nghị lần thứ 35 các quốc gia thành viên UNCLOS (SPLOS) dự kiến diễn ra
trong tháng 6 tới.
Đây là lần đầu
tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này, cho thấy sự tín nhiệm cao và ghi nhận của
cộng đồng quốc tế với những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời,
đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò quốc gia thành viên có
trách nhiệm của UNCLOS, đóng góp thực chất vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc
tế trong quản trị biển và đại dương trên phạm vi toàn cầu.
Nguyễn Phương
(Nguồn:Baoquocte.vn)