image banner
Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 16
Lượt xem: 354
anh tin bai

 

(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 23/10/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 16 với chủ đề "Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực".

 

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến.

 

Hội thảo lần này quy tụ gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín đến từ 23 quốc gia và các tổ chức quốc tế; gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam…

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Đại sứ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung mong muốn thông qua Hội thảo sẽ truyền tải được thông điệp về sứ mệnh bảo vệ hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung ở biển Đông, cũng như thể hiện quyết tâm tìm ra những giải pháp bền vững cho khu vực. Đại sứ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung cho biết, sau nhiều năm thảo luận, biển Đông vẫn là điểm nóng, với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và khác biệt về yêu sách biển, cùng với tình hình quân sự hoá tại khu vực; tuy nhiên, Bà cho rằng các bên có liên quan ở biển Đông hiện nay vẫn phải kiên định trong nỗ lực theo đuổi hoà bình và ngoại giao, với lòng kiên nhẫn và sự lạc quan.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, hiện nay thế giới đang đứng trước bước ngoặt lớn, quá trình chuyển dịch sang cục diện đa cực, đa trung tâm nhiều bất ngờ, khó đoán định và nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến thảm hoạ. Lòng tin đối với những thiết chế và quy tắc hiện hành đang dần giảm đi, các hành vi đơn phương sẽ thắng thế, bỏ qua lợi ích chính đáng của các bên và của cộng đồng quốc tế; xu hướng này đã và đang làm thu hẹp không gian dành cho đối thoại, ngoại giao và hợp tác; đẩy chạy đua vũ trang và các biện pháp răn đe lên tuyến đầu trong chiến lược của nhiều quốc gia.

 

Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày nay không chỉ đơn thuần là tranh giành lãnh thổ, vùng biển, tài nguyên để kiểm soát thương mại, công nghệ và năng lực quân sự mà quan trọng hơn cả là để chi phối quan điểm và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai. Do đó, việc "Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực" là vấn đề có tính thời sự và cấp thiết nhất hiện nay.

 

Ông Đỗ Hùng Việt cũng khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi là nền tảng đảm bảo hoà bình và ổn định quốc tế và cũng là khuôn khổ chung cho các quốc gia giải quyết tranh chấp hoà bình và hợp tác; đánh giá dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chính thức có hiệu lực là cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, là cơ sở cho các hành động và hợp tác trên biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; do đó, tính toàn vẹn của UNCLOS cần phải được duy trì. Việc Việt Nam đề cử ứng cử viên đầu tiên vào vị trí Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) giai đoạn (2026 - 2035) tái khẳng định Việt Nam sẵn sàng cống hiến vào hoạt động của ITLOS; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ, kiên định đối với UNCLOS nói riêng và tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế nói chung.

 

Ông Đỗ Hùng Việt cũng cho biết thêm, Văn kiện vì Tương lai của Liên Hợp Quốc vừa được ký kết tiếp tục khẳng định quyết tâm toàn cầu trong đối phó với các thách thức của nhân loại thông qua hợp tác đa phương; nhấn mạnh ASEAN nên được tin tưởng và giao phó vai trò trung gian và kết nối vì các nguyên tắc cởi mở, bao trùm, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế của ASEAN sẽ gắn kết tất cả các bên.

 

Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày (23/10/2024 -24/10/2024) có 7 phiên với các chủ đề: Hướng tới trật tự đa cực: "Hòa bình nóng", "Chiến tranh lạnh" hay "Cùng tồn tại hòa bình"; vai trò trung tâm của ASEAN trong thách thức: Tích cực chủ động hay ẩn mình chờ thời; an toàn và tự do hàng hải từ biển Đỏ tới biển Đông: Trách nhiệm thuộc về ai; UNCLOS sau 30 năm: Vẫn nguyên giá trị; xem xét lại nghĩa vụ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết và ngăn ngừa xung đột; phương tiện tự hành trên biển: Liệu trí tuệ nhân tạo có thể tự sửa sai; ngoại giao, phòng thủ hay răn đe: Lựa chọn nào cho hòa bình.

 

Nguyễn Phương (Nguồn: Baochinhphu.vn)

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1