Tiếp tục tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 25501


(binhthuan.gov.vn) Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số. Những năm qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng miền núi, dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Xác định xây dựng nông thôn mới là Chương trình mang tính lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa quy định của Trung ương tương đối đồng bộ, đầy đủ, sát với thực tế, góp phần triển khai sâu rộng công tác xây dựng nông thôn mới trong toàn hệ thống chính trị.

Từ năm 2014 đến nay, Bình Thuận đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các công trình đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu dân sinh, kinh tế - xã hội cho nhân dân vùng khó khăn; từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 17/ 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.

Theo bà Thanh Thị Minh Hiền - Phó Ban Dân tộc tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới không những góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, mà còn giúp phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái… Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã khai thác những lợi thế, tiềm năng để thực hiện thành công một số mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Nếu như năm 2016, 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có 2.029 hộ thuộc diện hộ nghèo và 1.053 hộ thuộc diện hộ cận nghèo; thì đến năm 2019, 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có 1.258 hộ thuộc diện hộ nghèo và 1.492 hộ thuộc diện hộ cận nghèo.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng như: Làm cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, cải tạo vườn, trồng rau màu, phát triển chăn nuôi… Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được kịp thời, đáp ứng nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 04/17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã: Hải Ninh, Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa. Tuy nhiên, đến nay các xã này không giữ vững đạt 19/19 tiêu chí.

Tạo sự đột phá

Thực tế cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vùng sản xuất còn bấp bênh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, những mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng, lan tỏa trong vùng đồng bào; việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đời sống ở vùng miền núi, vùng cao chưa theo kịp vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mức sống của đồng bào, nhất là vùng cao còn thấp so với nhiều vùng khác, các tập tục lạc hậu chậm được khắc phục, khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng đồng bào dân tộc Kinh còn chênh lệch lớn. Kết cấu hạ tầng còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiên tai, dịch bệnh và một số vấn đề xã hội còn diễn biến phức tạp…

Đánh giá về tồn tại trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Chính sách của Trung ương ban hành thường xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đạt được và nhiều công việc phải đầu tư thực hiện trong thời gian dài, nhất là đầu tư cho công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tuy nhiên nguồn vốn Trung ương bố trí để thực hiện còn hạn hẹp và thường giao cho địa phương tự cân đối trong khi ngân sách của địa phương còn khó khăn, từ đó, nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị ở một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào, nhất là việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Ngoài ra, một bộ phận đồng bào còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ, chưa nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Trong thời gian tới, để tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới được tốt hơn, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong các cấp, các ngành cần phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào từ những năm trước. Tiếp tục giải quyết đất sản xuất cho đồng bào ở những địa phương còn quỹ đất, tạo điều kiện duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc, gắn với thực hiện chính sách hưởng lợi từ rừng cho hộ đồng bào nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện tốt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, thực hiện có kết quả các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh ở các cấp học và sinh viên đang học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” đi vào chiều sâu….

TT Dân

 

 

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1