Đa dạng hóa sản phẩm thanh long để phát triển bền vững
Lượt xem: 6913

(binhthuan.gov.vn) Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận; sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với hơn 30 ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 80 ngàn lao động. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh đạt trên 33 nghìn ha, sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở 2 hình thức: Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ước tính khoảng 15% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa; 85% tập trung cho xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng 2 - 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.

Dù diện tích và sản lượng lớn nhưng giá cả và đầu ra của mặt hàng này liên tục bấp bênh. Cụ thể, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, giá thu mua thanh long giảm sâu do các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng, giá mua thanh long ruột trắng tại vườn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg (hàng điện). Tình trạng này khiến nhà vườn “đứng ngồi không yên”. Để giải quyết khó khăn đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Tại hội nghị tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan cho rằng, nút thắt cần sớm được tháo gỡ cho quả thanh long hiện nay chính là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung thay vì làm manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ có liên kết sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao và sản lượng lớn, quả thanh long mới có thể chủ động về giá cả và đầu ra.

Thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi, do đó, giải pháp đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thanh long là rất cần thiết. Nhằm đa dạng sản phẩm thanh long, nhiều công ty, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long.

Tuy mới xuất hiện trên thị trường khoảng một năm trở lại đây, nhưng sản phẩm kem tươi thanh long của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ - huyện Hàm Thuận Bắc đã đón nhận những tín hiệu lạc quan từ phía khách hàng cũng như sản phẩm được công nhận OCOP Bình Thuận 3 sao năm 2021.

Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương - Chủ thể sản phẩm kem tươi thanh long cho biết, nhằm tìm hướng đi mới cũng như làm đa dạng sản phẩm chế biến từ thanh long, góp phần gia tăng về giá trị đồng thời cải thiện kinh tế đối với nông dân gắn bó với cây trồng này, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đã thử nghiệm làm kem thanh long.

Theo đó, kem tươi thanh long đỏ và kem tươi thanh long trắng được làm từ nguyên liệu thịt quả thanh long đỏ hoặc trắng thu hái từ vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã. Bên cạnh đó, có sự phối trộn thêm sữa tươi, bột kem và chất nhũ hóa với tỷ lệ hài hòa, hợp lý. Đây là sản phẩm thuộc bản quyền của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ liên kết với chuyên gia hàng đầu về kem tươi ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Sản phẩm có mặt trên thị trường vào giữa năm 2021, với giá bán đến người tiêu dùng là 8 ngàn đồng hộp 60gram và 15 ngàn đồng hộp 100gram. Cuối năm 2021, kem tươi thanh long của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đã được công nhận OCOP Bình Thuận 3 sao.

Tương thanh long cũng là một trong những sản phẩm mới từ trái thanh long và đang được Hợp tác xã Thanh long Hàm Kiệm chào bán trên thị trường. Bà Hồ Thị Bạch Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hàm Kiệm (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) chia sẽ, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch, trong đó có thanh long khó tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu do giãn cách xã hội. Để tìm giải pháp tháo gỡ đầu ra giảm bớt áp lực cho xuất khẩu quả tươi, thế là bà lên ý tưởng thử nghiệm làm tương thanh long từ các quả thanh long sau xuất khẩu, sau ba tháng miệt mài nghiên cứu, trải qua không ít lần thất bại. Đến tháng 5/2021, sản phẩm tương thanh long đỏ và tương thanh long đen với các hương vị: Mặn, ngọt và chua cay thành công, có mặt chào bán trên thị trường. Tương thanh long có ưu điểm sử dụng cả thịt quả lẫn hạt thanh long say nhuyễn khi chế biến nên sẽ gia tăng thêm dinh dưỡng cho món ăn. Đặc biệt là tận dụng được nguồn thanh long còn dồi dào sau xuất khẩu, góp phần cải thiện kinh tế cho một bộ phận xã viên trồng thanh long.

Ngoài sản phẩm kem tươi và tương thanh long, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chế biến sản phẩm từ quả thanh long như thanh long sấy, nước ép, rượu vang, kẹo, siro,... phần lớn được tiêu thụ nội địa với năng lực chế biến khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng.

Hiện nay, việc bán trái thanh long tươi còn nhiều hạn chế như thời gian bảo quản, giá trị gia tăng không cao… Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng đắn. Điều này không những giải quyết vấn đề tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận.

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long, ngoài các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tăng cường thông tin sát với thị trường, chú trọng công tác khuyến nông trong tổ chức đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; theo dõi, nắm bắt cập nhật thông tin tình hình xuất khẩu thanh long để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có phương án bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng như cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ; đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)…

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1