Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu
Lượt xem: 4897


(binhthuan.gov.vn) Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói. Qua đó, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để nông sản Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch. Do đó, để đáp ứng yêu cầu và quy định hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng cao của thị trường thế giới, việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cần được quan tâm, theo dõi chặt chẽ, thậm chí nâng cấp quản lý để tạo niềm tin tiêu dùng chắc chắn hơn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, có hai loại cấp mã số vùng trồng trong nước và xuất khẩu. Đối với mã số vùng trồng xuất khẩu, đây là điều kiện cần thiết để xuất khẩu nông sản theo quy định của nước nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân muốn xuất khẩu bắt buộc phải có mã số vùng trồng do nước nhập khẩu cấp hoặc được ủy quyền sử dụng.

Về mã số vùng trồng nội địa, việc cấp mã đang dựa vào nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, chưa bắt buộc. Tuy nhiên để nâng cao uy tín cho sản phẩm nông sản của mình, các tổ chức, cá nhân cần chú trọng đến việc chứng minh nguồn gốc của nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên thực hiện thủ tục cấp mã vùng trồng nội địa.

Hiện một số quốc gia yêu cầu trái cây từ phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu. Trước đây, các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp căn cứ theo rà soát của UBND tỉnh. Đến năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật chính thức giao việc giám sát, quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu cho địa phương. Từ đó đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và  tỉnh, đơn vị đang thực hiện quản lý đối với 02 loại mã số vùng trồng. Cụ thể, mã số vùng trồng xuất khẩu do Cục bảo vệ thực vật phụ trách, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện việc kiểm tra giám sát đối với các mã số vùng trồng đã được cấp (trung bình 2 lần/năm hoặc trước mỗi vụ thu hoạch tùy theo loại cây trồng) và thực hiện đánh giá cấp mới để gửi hồ sơ ra Cục Bảo vệ thực vật thực hiện thủ tục cấp mới. Sau khi có biên bản kiểm tra của phía Chi cục địa phương, phía cục Bảo vệ thực vật cùng với nước nhập khẩu sẽ phê duyệt. Rất nhiều loại đối tượng cây trồng được cấp đối với mã số vùng trồng xuất khẩu là thanh long, chuối, mít, nhãn, xoài, chanh dây, sầu riêng, nhãn, bưởi..., thị trường được xuất khẩu tùy thuộc vào từng loại đối tượng cây trồng như thanh long (Úc, Newzeland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), Xoài (Úc, Newzeland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu), Sầu riêng có thị trường Trung Quốc, Châu Âu... Đối với mã vùng trồng theo quy định của Luật Trồng trọt (mã nội địa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ phát động Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn, công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.

Theo tinh thần chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng sẽ được thực hiện trên hầu hết các đối tượng cây trồng nông nghiệp, tuy nhiên trước mắt sẽ tập trung vào các đối tượng cây trồng dùng làm thực phẩm hoặc nguyên liệu sản xuất được phẩm, các đối tượng khác Cục trồng trọt sẽ có hướng dẫn thêm trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay, vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn giao nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua đó, Sở đã giao cho Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

Đây là một nhiệm vụ mới, đồng thời liên quan đến chuyển đổi số nên để triển khai rộng rãi cần thời gian để tập huấn, đào tạo cho cả cán bộ lẫn tổ chức, cá nhân. Các vùng trồng có nhu cầu đăng ký có thể liên hệ trực tiếp phía Chi cục để được hướng dẫn, hoặc truy cập vào Website của Chi cục để xem các bước thực hiện. Hiện tại, đơn vị đang thực hiện hướng dẫn cho 01 cá nhân có nhu cầu đăng ký.

Hiện tại Bình Thuận có nhiều tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói xuất khẩu về thanh long và sầu riêng. Để được cấp mã số rất khó, duy trì mã số càng khó hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Vinh, không chỉ đối với sầu riêng, mà tất cả các đối tượng cây trồng khác đã được cấp mã phải duy trì hiện trạng vườn trồng, đồng thời cập nhật và tuân thủ theo các điều kiện của nước nhập khẩu thì mới có thể duy trì mã, nếu vi phạm đều bị thu hồi.

Trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu. Gần đây nhất là Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu này với các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc. Do đó, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Để triển khai thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết; kịp thời phát hiện và báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mã số vùng trồng.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản cũng cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1