image banner
Du lịch Bình Thuận khẳng định thế mạnh là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính của tỉnh
Lượt xem: 13248

(binhthuan.gov.vn) Trải qua chặng đường dài 30 năm, cùng với sự đổi mới của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, đã khẳng định thế mạnh vượt trội khi là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính của tỉnh.

Là tỉnh ở duyên hải cực Nam Trung Bộ, du lịch Bình Thuận bắt đầu tạo dấu ấn với du khách bằng sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra ngày 24/10/1995, thu hút hàng trăm nghìn du khách đến Mũi Né, thành phố Phan Thiết để chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và tham quan bờ biển xinh đẹp, mở ra một trang mới cho sự phát triển của hoạt động du lịch ở địa phương.

Hiện nay, du lịch Bình Thuận dần định vị được thương hiệu. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ chỗ hầu như không có gì, sau 30 năm, đến nay du lịch Bình Thuận đã có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch biển đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch của tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện Bình Thuận có gần 200 dự án du lịch đầu tư. Toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng. Đối với loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê, toàn tỉnh có trên 530 cơ sở cùng nhiều căn hộ và biệt thự, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm. Du lịch phát triển tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.

Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Từ lúc chưa có gì, tuy nhiên với sự nỗ lực của Đảng, Chính quyền các cấp trong tỉnh, cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, trong 30 năm qua, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm du lịch. Đặc biệt, việc Chính phủ chính thức quy hoạch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia chính là một thành tựu tổng thể. Du lịch cũng tác động đến kinh tế - xã hội và người dân của Bình Thuận. Theo đó, người dân có thể cảm thấy mình có cuộc sống sung túc hơn, văn minh văn hóa hơn và nhất là được giao tiếp với nhiều du khách ở mọi miền. Đây là thành tựu rất lớn đối với Bình Thuận vì du lịch đã góp phần làm cho đời sống của người dân không những phong phú hơn về văn hóa, tinh thần mà còn vững mạnh về kinh tế.

Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trãi dài từ La Gi đến Tuy Phong; các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Thêm vào đó, tỉnh nỗ lực đăng ký đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023.

Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Từ nền tảng và thương hiệu du lịch Bình Thuận đã được khẳng định trong thời gian qua, được du khách quốc tế và người dân trong nước biết đến, Bình Thuận hi vọng và mong muốn được Trung ương tin tưởng giao đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2023.

Hiện nay, Bình Thuận đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc. Đồng thời, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe… phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các Trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.

Không tự so sánh với chính mình, du lịch Bình Thuận đang đặt trong tâm thế nâng cao khả năng cạnh tranh với các địa phương thế mạnh ven biển khác. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, níu chân du khách trở lại, ngành du lịch Bình Thuận cần có nhiều đổi mới trong chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; bảo vệ môi trường…

Theo ông Đặng Minh Huy - Phó Giám đốc điều hành The Cliff Resort Residences: Rõ ràng hiện tại, du lịch Bình Thuận có thể tiến xa hơn rất nhiều. Bên cạnh sự chung tay của các doanh nghiệp thì cũng cần có sự định hướng của nhà nước, các cơ quan chính quyền. Tỉnh cần có những chính sách mở cửa, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư, vì càng nhiều tập đoàn lớn thì việc quảng bá cho thương hiệu Bình Thuận sẽ đến được với nhiều khách hàng khác trên khắp thế giới.

Ông Nguyễn Cảnh, Trợ lý Ban Điều hành Pandanus Resort cũng cho rằng, du lịch Bình Thuận cần cải thiện nhiều việc, chẳng hạn như là vấn đề về rác thải dọc tuyến đường chính Võ Nguyên Giáp, đây là con đường du lịch chính của thành phố Phan Thiết. Đồng thời, xử lý vấn đề rác thải ở dưới biển làm ảnh hưởng đến du lịch. Thêm vào đó, thành phố Phan Thiết cần có quy hoạch về phố ẩm thực hoặc là nơi để du khách vui chơi; vấn đề xâm thực biển cũng cần giải quyết triệt để.

Quá trình hình thành và phát triển của du lịch Bình Thuận là cả một chặng đường dài, là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân Bình Thuận, đồng thời có sự ủng hộ của các nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước đã đến góp sức cho sự phát triển của du lịch Bình Thuận. Từng bước hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong đầu tư, thu hút các dự án du lịch mới có tiềm năng. Du lịch Bình Thuận đã khẳng định con đường phát triển đúng đắn để phấn đấu sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

TT Dân

 

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1