Cảnh báo lừa đảo đặt phòng khách sạn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán
(binhthuan.gov.vn)
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, người dân có xu
hướng du xuân kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Trong
bối cảnh đó, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến với
thủ đoạn giả mạo thông tin khách sạn và cho thuê phòng
trọ để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc cũng tăng
lên. Chính vì thế, người dân cần cẩn trọng khi đặt
phòng khách sạn, phòng trọ, nhà nghỉ thông qua các nền
tảng mạng xã hội.
Với
sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như
hiện nay, chỉ cần vài thao tác đơn giản, khách hàng sẽ
nhanh chóng tìm được hàng loạt địa điểm khách sạn,
hình ảnh lẫn giá cả dịch vụ liên quan. Tận dụng sự
phát triển công nghệ, các đối tượng lừa đảo thường
lợi dụng nhu cầu thuê phòng tăng cao dịp hè, lễ, Tết
để đăng bài giới thiệu cho thuê khách sạn, villa,
homestay giá rẻ.
Khi
khách du lịch có nhu cầu thuê, các đối tượng sẽ liên
hệ qua tin nhắn Messenger, Zalo để giới thiệu về các
dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Thủ đoạn
này khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ của
khách sạn, villa, homestay. Để tăng thêm sự tin tưởng
cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay
video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý
với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển
tiền cọc từ 30-50% giá trị thuê phòng.
Thực
tế, đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, thời gian
qua tại các khách sạn, resort trên địa bàn Bình Thuận
xảy ra nhiều trường hợp du khách đặt phòng thông qua
trang Facebook của các resort, khách sạn, đã thanh toán tiền
hoặc đặt cọc 30-50% nhưng khi đến nhận phòng lại phát
hiện bị lừa đảo vì nhân viên của các cơ sở nói
trên thông báo, không có khách hàng đặt phòng có tên như
đã trình bày.
Theo
đại điện The Clay resort Mũi Né (số 10 Nguyễn Đình
Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận), giai đoạn
đầu năm 2024, đã có trên 80 du khách dính “bẫy” trang
giả mạo khu nghỉ dưỡng này và bị lừa đảo, chiếm
đoạt hàng trăm triệu đồng. Những đối tượng lừa
đảo lập Fanpage Facebook giả mạo, lấy toàn bộ hình ảnh
thật của resort, nhưng lại dùng số điện thoại và tài
khoản ngân hàng giả mạo để lừa khách chuyển tiền
rồi chiếm đoạt. Chỉ đến khi khách ra tận resort thì
mới biết mình đã bị lừa.
Cũng
với thủ đoạn tương tự, các đối tượng lừa đảo
lập ra hàng loạt trang web, Fanpage Facebook lừa đảo bằng
cách dùng hình ảnh có tên giống những resort tại Phan
Thiết và đăng tải hình ảnh của khu nghỉ dưỡng hoặc
làm một trang khác gần như giống hoàn toàn với trang
chính thống, gây ra nhầm lẫn cho người dân, từ đó
thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng này cũng
rất tinh vi, lập đường dây nóng riêng sẵn sàng tư vấn
khi khách hàng gọi; nhận được tiền còn nhắn tin xác
nhận đã đặt phòng… nhằm lấy lòng tin, khách hàng khó
có thể nhận ra mình đang bị lừa.
Để
tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên,
người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên ưu tiên
lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty uy tín
hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên
tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho
xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ,… của
công ty đó.
Bên
cạnh đó, người dân và du khách cần nâng cao cảnh giác
khi nhận được lời mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ
hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt
thận trọng khi đơn vị yêu cầu chuyển tiền đặt cọc
để giữ chỗ, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch
thanh toán trực tiếp. Đồng thời, chú ý các dấu hiệu
nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên
miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống
với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu
một số ký tự.
Khi
phát hiện hoặc nghi ngờ các trang mạng xã hội, dịch vụ
có yếu tố lừa đảo, người dân và du khách cần tố
giác, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an gần nhất
để xử lý kịp thời hoặc thông tin qua đường dây nóng
tố giác tội phạm không gian mạng của Công an tỉnh Bình
Thuận – 069.3428.420./.
Hữu
Tri