Phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Katê của người Chăm
Lượt xem: 11189


(binhthuan.gov.vn) Ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội Katê của người Chăm nói riêng. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận cũng như các tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu, tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Katê của người Chăm; góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương phát triển.

Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm...

Hơn 15 năm qua, Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Hoa hậu Châu Á 2019 - Nguyễn Thị Yến Trang chia sẽ cảm thấy rất hào hứng vì đây là lần đầu tiên tham gia Lễ hội KaTê tại Bình Thuận. Lễ hội mang tính đặc trưng riêng của đồng bào Chăm theo đạo BàLaMôn. Đây là Lễ hội đầy màu sắc và rất thú vị, nếu có dịp quay lại Bình Thuận vào thời điểm diễn ra Lễ hội Katê, em sẽ tiếp tục tới đây để tham dự. Hi vọng Lễ hội sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan, từ đó tạo sự gắn kết để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Anh Phạm Thanh Phước, hướng dẫn viên Green Bamboo Travel cho biết: Đây là lần đầu tiên anh hướng dẫn đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm Lễ hội Katê của người Chăm tại Bình Thuận. Mặc dù tìm hiểu nhiều trên sách, báo chí nhưng được trực tiếp tham gia không khí Lễ hội, anh cùng cả đoàn mới cảm nhận hết những ý nghĩa cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của người Chăm. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ thu hút được nhiều du khách đến để tham quan Lễ hội.

Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa tiêu biểu ở Bình Thuận không những góp phần vào sự phát triển bền vững văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa của tỉnh nói riêng, mà còn giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, con người Bình Thuận và phát triển du lịch.

Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian tới Sở cùng với UBND các địa phương trong tỉnh, nơi mà có đồng bào người chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống sẽ rà soát, tổ chức lại các ngành nghề truyền thống như: Làm bánh, dệt thổ cẩm, làm gốm… từ đó sẽ hình thành nên một nhóm nghề truyền thống của người Chăm để đưa vào phục vụ tại các điểm du lịch. Đồng thời, sẽ hoàn thiện lại một phần Lễ hội Katê để đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, tại các địa điểm tham quan di tích, khu du lịch để phục vụ du khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chia sẽ thêm, ngoài việc tiếp tục phát huy những Lễ hội đã được công nhận, ngành sẽ rà soát những Lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh để xây dựng đề án phục dựng và tổ chức các hoạt động đưa vào phục vụ du khách vào dịp Lễ, Tết, những ngày cuối tuần.  

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh, so với các Lễ hội khác trong tỉnh, Katê được coi là Lễ hội lớn, kéo dài ngày, số lượng Nhân dân và du khách đến thăm quan, bái tế ngày càng đông.

Để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Lễ hội phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và góp phần phát triển du lịch địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị UBND các huyện có đồng bào Chăm Bàlamôn sinh sống quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chăm duy trì và phát huy các giá trị của Lễ hội, khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của Lễ hội trong cộng đồng. Quan tâm đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội, ngăn chặn những nguy cơ làm mai một, biến thể hoặc thất truyền các nghi thức trong Lễ hội.

Bên cạnh đó, chú trọng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn phần lễ trong Lễ hội, từ thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần tham gia cúng lễ, trang phục của các chức sắc, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ Chăm, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng… cho đến nội dung lời khấn trong từng nghi lễ của các chức sắc tham gia hành lễ. Đồng thời, duy trì tổ chức phần hội trong Lễ hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống… phù hợp với điều kiện, đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương.

Lễ hội Katê có các hoạt động ở đền, tháp; thôn, xóm và tại các gia đình. Tại đền, tháp có các hoạt động: Lễ đón rước y trang, nghi lễ diễn ra ở các đền, tháp nơi tổ chức lễ hội. Lễ mở cửa đền, tháp. Lễ tắm tượng thần. Lễ mặc y phục cho tượng thần. Tiếp đến là múa cầu an và dâng lễ, cuối cùng là lễ múa mừng lễ hội Katê với các điệu múa của thiếu nữ Chăm hòa nhịp trong tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.

Sau khi kết thúc phần Lễ, sẽ diễn ra phần hội với những trò chơi dân gian đặc sắc như: Hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát; trưng bày gốm, thổ cẩm; cúng Katê thần làng; các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao…

Lễ hội Katê tại các gia đình và dòng họ được tổ chức nhằm quy tụ tất cả các thành viên trong gia đình để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu biết ơn, kính trọng tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1