21/02/2025
Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận giai đoạn (2025 - 2030)
Lượt xem: 27
(binhthuan.gov.vn)
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận giai đoạn (2025 - 2030).
Theo đó, mục
tiêu của Đề án là phát triển chính quyền số đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản,
toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống
chính trị, quản trị Nhà nước. Phát triển kinh tế số với trọng tâm là doanh nghiệp,
ưu tiên sử dụng các nền tảng số dùng chung của ngành, lĩnh vực phục vụ hiệu quả
hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển xã hội số nâng cao chất lượng sống của người
dân đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều
kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới,
làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và của người Bình Thuận
nói riêng. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, toàn diện và phù hợp với xu thế phát
triển công nghệ số hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số,
kinh tế số và xã hội số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển hạ tầng dữ liệu số đáp ứng yêu cầu của chính quyền số.
Cụ thể đến năm
2030, phát triển chính quyền số phải đạt tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành,
lĩnh vực là 90%; có 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực
hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; có 100%
cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập
trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% UBND cấp huyện
có Trung tâm Điều hành thông minh được kết nối, tích hợp với Trung tâm Điều
hành thông minh.
Kinh tế số sẽ chiếm
30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu
20%; tỷ lệ doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi
số đạt 90%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%. Tỷ lệ
dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành
có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; tỷ lệ người dân kết nối
mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch
vụ công trực tuyến đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn
sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%.
Để đạt được các
mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 07 nhóm giải pháp sau: Tập trung nguồn lực xây
dựng cơ sở dữ liệu tỉnh và phát triển Trung tâm Điều hành đô thị thông minh
trong năm 2025 làm nền tảng và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cho các năm tiếp
theo. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền
thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về
chuyển đổi số, nhất là lợi ích thiết thực trong việc tham gia và sử dụng các dịch
vụ chuyển đổi số tại địa phương. Triển khai đồng bộ hạ tầng về công nghệ thông
tin. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với đặc
điểm và điều kiện thực tế của tỉnh. Tăng cường sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên
trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, tổ chức để vận hành và quản lý hệ thống
chuyển đổi số của tỉnh. Huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội
hóa và tài trợ hợp pháp để phát triển hệ thống phần mềm và triển khai các dịch
vụ chuyển đổi số. Giải pháp về an toàn thông tin.
Nguyễn Phương