Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng
(binhthuan.gov.vn) Thực
hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý
lâm sản, chống lấn chiếm đất rừng, trong năm 2024 các lực lượng chức năng của tỉnh
đã tăng cường triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng
trọng điểm; theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với các tỉnh
Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh; xác định các khu vực trọng
điểm thường xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, thường xuyên
tuần tra, kiểm tra và xử lý theo quy định.
Kết quả, đã phát hiện, lập hồ sơ
xử lý 287 vụ vi phạm, giảm 02 vụ so cùng kỳ năm 2023; xử phạt vi phạm hành
chính 286 vụ; tịch thu 195,9 m3 gỗ các loại, 123,2 kg động vật rừng,
01 xe ô tô, 144 xe máy và 42 phương tiện khác. Toàn tỉnh xảy ra 64 vụ lấn, chiếm
đất rừng với diện tích 23,1 ha. Đã triển khai tích cực công tác phòng cháy, chữa
cháy rừng mùa khô 2023 - 2024; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các khu
vực có nguy cơ cháy cao; theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng
trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện hoàn thành và nghiệm thu
đưa vào sử dụng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 -
2024...; theo đó, trong mùa khô năm vừa qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 21 trường hợp
cháy thực bì (lá, cỏ khô...) dưới tán rừng, các trường hợp cháy được phát hiện
sớm và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức
năng đã tập trung đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng, phục hồi rừng, nâng cao
chất lượng rừng, nhất là tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt
lở; đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.730 ha. Công tác bảo
tồn, phát triển những khu vực có rừng, cây tái sinh ven sông, ven biển tiếp tục
được quan tâm thực hiện. Đã làm tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng, tính đến
cuối năm 2024 diện tích khoán bảo vệ rừng của tỉnh ta đạt 148.485,5 ha, đạt
108,4% kế hoạch. Các đơn vị chủ rừng chuẩn bị tốt các khâu về đất, cây giống, tổ
chức thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán; trong năm 2024,
toàn tỉnh đã trồng được 4.248 ha rừng sản xuất, đạt 103,6% kế hoạch và 1.464 ha
cây phân tán; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 43% và tỷ lệ che phủ 55%, đạt 100% kế
hoạch năm. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ, nâng cao chất lượng rừng
trồng, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế gắn với tiêu chuẩn FSC;
toàn tỉnh hiện có 10.544 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC;
tiếp tục chăm sóc các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Các đơn vị chức năng của tỉnh đã ứng
dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong công tác quản lý, giám sát
và bảo vệ tài nguyên rừng; qua đó, đã phát hiện và gửi tin cảnh báo 545 điểm
nghi ngờ biến động hiện trạng tài nguyên rừng; các đơn vị chủ rừng đã phối hợp
tổ chức kiểm tra, xác minh ngoài thực địa được 516 điểm, còn 29 điểm hiện đang
kiểm tra, xác minh. Hiện nay, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham
mưu UBND tỉnh Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống ứng dụng công nghệ viễn
thám, sử dụng ảnh vệ tinh và thiết bị di động trong tuần tra, quản lý, xác
minh, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Bình Thuận.
Trong thời gian tới, các đơn vị
có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; sử dụng
bền vững, hiệu quả diện tích rừng hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng rừng;
tăng cường công tác quản lý rừng bền vững, chống lấn chiếm đất rừng. Triển khai
Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh đến
năm 2030; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, trồng rừng
có chứng chỉ FSC. Khuyến khích phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng
theo hướng dẫn của Trung ương, giúp bảo vệ tài nguyên rừng, hỗ trợ cho người
dân tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng thông qua phát triển kinh tế dưới
tán rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp tục hoàn thiện
và thực thi hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thúc đẩy
phát triển kinh tế rừng. Thực hiện tốt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải
trí trong rừng, phát huy tính đa dạng của rừng. Duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng đạt
43%...
Nguyễn Phương