Kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong 05 năm thi hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường
Thực hiện Công văn số
4591/BTP-PLDSKT ngày 15/8/2024 của Bộ Tư pháp về việc triển khai sơ kết 05 thực
hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu,
phường; ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4531/VP-NCKSTTHC
của Văn phòng UBND tỉnh về sơ kết 05 thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, Sở Tư pháp đã phối hợp các sở, ngành liên quan và các
địa phương tiến hành sơ kết, xây dựng Báo cáo số 224/BC-STP ngày 27 tháng 9 năm
2024 về đánh giá sơ kết 05 năm thi hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày
19/02/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Kết quả cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày
19/02/2019 của Chính phủ trong thời gian qua được chính quyền các cấp, các cơ
quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Các địa phương, các cơ quan
pháp luật kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời các hành vi
vi phạm lợi dụng việc dây họ để hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng hoặc lừa
đảo, chiếm đạt tài sản của công dân nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân. Công
tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thi hành Nghị định được thực hiện
thường xuyên từ công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định mới đến theo dõi,
nắm bắt tình hình, xử lý vi phạm.
Từ ngày 01/01/2020 đến ngày
31/8/2024, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 582 vụ án dân sự
sơ thẩm, 08 vụ án dân sự phúc thẩm và 03 vụ án hình sự về tranh chấp về hụi, họ,
biêu, phường trên địa bàn tỉnh. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 01/01
đối tượng có hành vi không giao giấy biên nhận cho thành viên khi góp họ, lĩnh
họ, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan trong quan hệ
về họ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày
31/12/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên,
quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập như:
Hoạt động chơi họ chủ yếu thực hiện
qua giao dịch dân sự dựa trên niềm tin, lợi ích của thành viên, những người
tham gia chơi họ tự nguyện và thỏa thuận với nhau nên rất khó trong công tác
phòng ngừa; chỉ khi có hậu quả xảy ra, nhiều người mất tiền, không liên lạc được
với chủ họ để giải quyết mới đến cơ quan Công an tố cáo. Do đó quá trình hoạt động
diễn ra đã lâu, thỏa thuận nhiều lần với nhiều dây hụi khác nhau nên gây khó
khăn cho công tác xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội;, một
số đối tượng có sự chuẩn bị từ trước nên đưa ra các hình thức đối phó với cơ
quan Công an (bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu, chuyển nhượng tài sản cho người khác…)
gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó Nghị định số
19/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể hình thức tổ chức, hoạt động và
tham gia việc chơi họ nhưng trên thực tế khi tham gia các hoạt động này thì chủ
họ và các thành viên chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau mà không thực hiện thỏa
thuận bằng văn bản hay giấy biên nhận hoặc có trường hợp có ghi chép nhưng
không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định nên khi xảy ra tranh chấp ngoài lời
trình bày của các đương sự thì không có chứng cứ khác để chứng minh. Do đó việc
xem xét, đánh giá chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1
Điều 14 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định chủ họ phải thông báo bằng văn bản
cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường
hợp: tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng
trở lên và tổ chức từ hai dây họ trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ họ không
tự nguyện thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú, dẫn đến công tác nắm bắt tình
hình, diễn biến, thống kê các thông tin và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật về họ của UBND cấp xã cũng như việc việc xác minh, thu thập chứng cứ
của Tòa án khi giải quyết các vụ việc liên quan gặp nhiều khó khăn.
Nghị định số 19/2019/NĐ-CP không giới
hạn một người có thể là chủ họ của bao nhiêu dây họ nên dẫn đến thực tế một người
có thể là chủ họ của nhiều dây họ tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau; do đó, khi
vỡ nợ họ chủ họ thường mất khả năng thanh toán, kéo theo phản ứng dây chuyền,
tác động xấu đến người tham gia họ và trật tự kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên
cạnh đó, khi chủ họ tuyên bố chấm dứt dây họ (“bể họ”) nhưng chưa thanh toán
cho các thành viên trong dây họ thì cũng chưa có chế tài cụ thể để giải quyết
nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các thành viên.
Từ những khó khăn, vướng mắc,
bất cập trên, Sở Tư pháp đã kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan
có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan để giải quyết các bất cấp trên, cụ thể như sau:
- Bổ sung Nghị định số
19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường quy định để
cụ thể việc chủ họ có thể được lập bao nhiêu dây họ để tránh tình trạng vỡ họ
dây chuyền, hạn chế thiệt hại cho nhiều người và tránh việc các chủ họ lợi dụng
việc lập dây họ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
- Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm
hành chính đối với trường hợp không thực hiện thông báo bằng văn bản cho UBND cấp
xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ.
- Bổ sung quy định để đảm bảo quyền
và lợi ích chính đáng của các thành viên dây họ trong trường hợp chủ họ tuyên bố
chấm dứt dây họ (“bể họ”).
Phương Đặng