Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh: Đổi thay từ những công trình thủy lợi đúng hướng
Lượt xem: 505

(binhthuan.gov.vn) Nếu nói giao thông là “đột phá” trong phát triển thương mại - dịch vụ, cơ sở hạ tầng thì thủy lợi được xem là “cái gốc” để phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi thủy lợi phát triển sẽ góp phần rất lớn trong sản xuất thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, cùng với đó hệ thống thủy lợi chống ngập úng trong mùa mưa bão, đặc biệt là phòng, chống hạn hán...

Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thiếu mưa, nhiều nắng, nhiều gió, đất đai cằn cỗi và khô hạn nhất cả nước. Phần lớn diện tích đất canh tác là cát pha bạc màu nằm trong vùng thiếu nước nên người dân vẫn không sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo… Sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng chung tay xây dựng tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vượt qua giai đoạn đầy cam go, thử thách, giờ đây những nơi “cằn cỗi” đã được thay bằng màu xanh ngút ngàn của cây trái, của lúa... Những công trình thủy lợi đúng hướng đã góp phần quan trọng trong việc nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Công trình thủy lợi hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những công trình thủy lợi được xây dựng tiên phong và phát huy hiệu quả. Trước khi công trình được xây dựng, đất đai nơi đây cằn cỗi do thiếu nước. Hầu hết các cánh đồng chỉ sản xuất một vụ lúa trong năm và phải trông chờ vào nguồn nước trời, nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1988, hồ thủy lợi Sông Quao được khởi công xây dựng với niềm mong mỏi, hy vọng của những người dân nơi đây. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn và thời tiết vô cùng khắc nghiệt nên phải tốn thời gian hơn 10 năm (năm 1997) công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hồ Sông Quao có dung tích 73 triệu m3, công trình cung cấp nước tưới cho hơn 8.100 ha đất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện nay, do được bổ sung nguồn nước từ sông Lũy về nên tổng diện tích tưới toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi Sông Quao khoảng 11.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết với công suất 25.000m3/ngày. Qua thời gian đưa vào khai thác, công trình hồ thủy lợi Sông Quao đã phát huy hiệu quả hoạt động.

Theo ông Nguyễn Hòa, ngụ tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc: Công trình thủy lợi Sông Quao đưa vào hoạt động và nguồn nước luôn ổn định đã tạo điều kiện cho người dân canh tác sản xuất, nhờ vậy cuộc sống người dân nơi đây đã khấm khá hơn. Không phải trông chờ vào nguồn nước trời mỗi năm một vụ bấp bênh như ngày xưa; có nguồn nước, nông dân canh tác mỗi năm ba vụ lúa. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nước dồi dào nên có thể chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn.

Để khai thác hiệu quả những công trình thủy lợi, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng”. Kênh này sẽ chuyển nước từ các hồ chứa lớn đến các hồ chứa nhỏ cũng như điều tiết nước từ lưu vực dư thừa sang lưu vực thiếu, hạn chế được sự thiếu nước trong mùa khô tại một số vùng.

Với sáng kiến “nối mạng” liên thông giữa các hồ chứa nước đã khai thác tối đa hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng. Trong số các công trình phát huy hiệu quả phải kể đến là hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập dài gần 40 km phủ kín vùng chuyên canh thanh long của huyện Hàm Thuận Nam; hệ thống kênh Châu Tá dài 32 km đưa nước từ đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Hồng Liêm của huyện Hàm Thuận Bắc... Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 15 tuyến kênh “nối mạng” với chiều dài 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ cho 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha.

Ông Huỳnh Duy Khôi - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết: Việc đưa vào hoạt động công trình kênh chuyển nước đã giải quyết rất nhiều vấn đề trong việc di chuyển nguồn nước. Đặt biệt, tại huyện Bắc Bình thì các kênh chuyển nước này đã kết nối hồ Cà Giây với kênh kênh chuyển nước 812 - Châu Tá để cung cấp nước về cho huyện Hàm Thuận Bắc. Gần đây thì các đơn vị đã triển khai đầu tư hệ thống kênh chuyển nước Cà Giây - Cây Cà để “nối mạng” với hệ thống thủy lợi huyện Tuy Phong… việc kết nối này đã giúp huyện Bắc Bình chủ động trong sản xuất nông nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Từ một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha; nhưng đến nay, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã nỗ lực, dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như: Hồ Sông Quao, dung tích hơn 73 triệu m3; hồ Cà Giây, dung tích gần 40 triệu m3; hồ Lòng Sông, dung tích trên 35 triệu m3…

Những công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021), gấp 3,5 lần. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt 38 triệu m3 năm 2021.

Thành công từ việc đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi không chỉ giúp địa phương chủ động tưới cho diện tích canh tác, mà còn góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó tăng cao thu nhập cho người dân. Hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, sản lượng lương thực tăng liên tục hằng năm. Năng suất lúa từ 29,9 tạ/ha (năm 1992) tăng lên 59 tạ/ha (năm 2022); sản lượng lương thực tăng gấp 4,7 lần (846.626 tấn/ 180.242 tấn). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đến năm 2022, diện tích cây lâu năm đạt 113.100 ha, tăng 98.000 ha, gấp 7,49 lần so với năm 1992…

Có nguồn nước, người dân đã tận dụng các ao đầm để nuôi cá, mang lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt to lớn cho tỉnh. Cuộc sống của người dân Bình Thuận đã thay đổi từng ngày. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ 140 tỷ đồng (năm 1992) đã tăng lên 13.000 tỷ đồng (năm 2021); thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 69,6 triệu đồng/người/năm.

Những công trình thủy lợi đã và đang có vẫn luôn là “bệ phóng” cho nông nghiệp Bình Thuận phát triển trong giai đoạn mới. Vùng đất “cằn” ngày nào giờ không còn nữa, nước về đã xóa đi muôn nỗi nhọc nhằn trên gương mặt những người nông dân.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1