Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận: Thực trạng và giải pháp”

(binhthuan.gov.vn)
Sáng ngày 26/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận đã phối
hợp với Trường Đại học Phan Thiết tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch
tỉnh Bình Thuận: Thực trạng và giải pháp”.
Bình Thuận là vùng
đất ở cực Nam của Duyên hải miền Trung. Với những tiềm năng và sức hấp dẫn đã
được khẳng định, những năm qua, tốc độ tăng trưởng du lịch của Bình Thuận không
ngừng tăng lên. Hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghỉ dưỡng
biển cao cấp, thể thao biển, địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản
phẩm du lịch “xanh”; gắn du lịch với giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên và
môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch
MICE…
Đặc biệt, năm
2023, tỉnh Bình Thuận là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề
“Bình Thuận- Hội tụ xanh” đã mở ra cơ hội, ý nghĩa rất lớn cho du lịch Bình Thuận.
Nhờ các giải pháp phục hồi và các chuỗi sự kiện thu hút du khách, trong 5 tháng
đầu năm 2023, đã có hơn 3,6 triệu lượt khách đến với Bình Thuận, đạt 54% kế hoạch
năm và tăng 91% so với cùng kỳ.

Phát biểu khai mạc
Hội thảo, NGƯT.PGS.TS Võ Khắc Thường – Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết
cho biết: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là một trụ cột phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, góp phần quan trọng trong việc khai
thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội. Trong 16 ngành đào tạo hiện tại của Trường, các chương trình đào tạo thuộc
lĩnh vực du lịch luôn là thế mạnh của Trường từ những năm đầu thành lập, với ưu
thế về vị trí địa lý và quan hệ hợp tác rộng rãi cùng các đơn vị quản lý nhà nước,
Hiệp hội, doanh nghiệp…. Trường Đại học Phan Thiết luôn nỗ lực đem đến cho người
học những điều kiện tốt nhất để học tập, thực hành, kiến tập, thực tập và tìm
kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Đồng thời nhấn mạnh: Hội thảo là cơ
hội để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp
trong các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch tham gia thảo luận,
đánh giá lại tiềm năng, thực trạng và đề ra giải pháp thu hút khách du lịch
trong nước và quốc tế; góp phần phát triển du lịch Bình Thuận bền vững, tương xứng
và đồng đều với tiềm năng của tỉnh.

Tham gia thảo luận,
ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay du lịch
Bình Thuận đang đứng trước thời cơ rất lớn để bứt phá. Ngoài sự thuận lợi về
tài nguyên, thiên nhiên; sự quan tâm của lãnh đạo địa phương thì việc hoàn thiện
cơ sở vật chất, giao thông phát triển đã mở ra cơ hội mới. Tuyến cao tốc Bắc
Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động đã rút
ngắn thời gian đi lại của khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận và các
tỉnh Nam Trung Bộ; tạo thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú đều
đã phục hồi hoàn toàn, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm
mới… Nhiều khu du lịch cao cấp, chuỗi đô thị ven biển đồng bộ hình thành sẵn
sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tại Hội thảo, các
đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế trong quá trình phát triển du lịch
của tỉnh, như: Tình trạng ô nhiễm rác thải và rác đại dương; biến đổi khí hậu
và xâm thực bờ biển; hệ sinh thái, tài nguyên du lịch xuống cấp; thiếu các sản
phẩm du lịch đặc thù; nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng; sự cạnh tranh giữa
các địa phương….

Theo TS. La Nữ Ánh
Vân - Trường Đại học Phan Thiết thì thực tế tỷ trọng khách du lịch quốc tế đến
với Bình Thuận còn thấp; mức chi tiêu của du khách cho các dịch vụ vui chơi, giải
trí chưa nhiều; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và đơn điệu. Hiện nay, du lịch
Bình Thuận cũng đang chịu sức ép lớn từ các thị trường du lịch ở các tỉnh và
khu vực lân cận như: Nha Trang, Đà Lạt, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đây là
thách thức lớn cho Bình Thuận trong việc duy trì thị trường khách cũ cũng như
thu hút khách thị trường mới.
Trên cơ sở đánh tiềm
năng cơ hội, thách thức, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất nhiều giải
pháp nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Thuận, từ đó
góp phần phát triển du lịch bền vững, như: Cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
đi đôi với nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ trên cơ sở phát huy tối đa
các lợi thế so sánh về thiên nhiên, văn hóa với những nét đặc trưng riêng của
Bình Thuận; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh Bình Thuận
là điểm đến nổi bật của du lịch Việt Nam; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu
các sản phẩm, mô hình phục vụ thu hút khách du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ
vào du lịch; thu hút các nhà đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, phải tăng cường
đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo vệ
sinh môi trường, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, rác thải đảm bảo vệ sinh
môi trường.
Phạm Huệ