
(binhthuan.gov.vn) Đồng bộ trong đầu tư về cơ sở hạ tầng, tập trung tháo
gỡ khó khăn cho các dự án du lịch trọng điểm, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực
để đưa ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển bứt phá trong giai
đoạn hiện nay.
Sáng
29/4/2023, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã chính thức khánh thành và đi
vào hoạt động. Với tuyến cao tốc này, điểm đến Bình Thuận trở nên thuận lợi với
du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, khi chỉ cần khoảng 02
tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô.
Cơ sở
hạ tầng phát triển đã tạo ra một cú hích rất lớn cho du lịch tỉnh nhà, trong
dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã đón nhận 160.000
lượt khách tham quan, lưu trú (con số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm
2022). Số liệu thống kê cũng cho thấy, công suất phòng đạt bình quân từ 90
- 100% (khách sạn từ 1 - 2 sao và tương đương đạt công suất xấp xỉ 90%, các
resort, khách sạn từ 3 - 5 sao và tương đương công suất phòng đã đạt gần
100%). Đa số là khách du lịch nội địa đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,
Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nam bộ, Hà Nội…
Với
dự án cao tốc, các khu du lịch phía Nam của TP.Phan Thiết, đặc biệt là khu đô
thị NovaWorld Phan Thiết ngày càng thu hút được đông dảo du khách đến tham
quan, nghỉ dưỡng nhờ quãng đường di chuyển thuận lợi.
Có
thể thấy, cú hích từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thúc đẩy mạnh mẽ
ngành du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan như nông nghiệp, thương mại,
dịch vụ, vận tải, bất động sản,… Để tận dụng cơ hội này và bứt phá, Bình Thuận
sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối với 03 trục quan trọng là cao tốc,
quốc lộ, đường ven biển; trong đó: đường Hàm Kiệm - Tiến Thành sẽ nối cao tốc với
đường ven biển ĐT.719; đường ĐT.711 nối cao tốc với đường ven biển Hòa Thắng -
Hòa Phú; đường ĐT.719B - Hòn Lan - Tân Hải nối TP.Phan Thiết với thị xã La Gi;
đường Tân Minh - Sơn Mỹ nối quốc lộ 55 với quốc lộ 1A và cao tốc Dầu Giây -
Phan Thiết...
Nghị
quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV đã khẳng định, tỉnh
Bình Thuận sẽ tập trung phát triển 03 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và
chuỗi giá trị, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Trong 03 trụ cột
chính nêu trên, du lịch chính là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và đã trải
qua chặng đường 25 năm hình thành, phát triển với những thành tựu đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, Bình Thuận còn được định hướng trở thành Trung tâm du lịch - thể
thao biển mang tầm quốc gia…
Thực
hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận
đã ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nghỉ dưỡng và khu vui chơi - giải trí cao cấp
từ những nhà đầu tư chiến lược để đầu tư, phát triển Bình Thuận trở thành điểm
đến ưa chuộng của đông đảo du khách quốc tế. Trong số những dự án quy mô được đầu
tư tại tỉnh trong thời gian qua, có thể kể đến dự án NovaWorld Phan Thiết. Hiện
tại, NovaWorld Phan Thiết đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào hoạt động
một số công trình như: Sân golf 36 lỗ; nhà hàng; café; khu công viên giải trí
và Khách sạn Movenpick.
Dự
kiến, cuối năm 2025, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành. Để tạo điều kiện giúp dự án
sớm hoàn thành, UBND tỉnh Bình Thuận đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
cho dự án, cho nhà đầu tư bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Với
quy mô lớn và được đầu tư bài bản, Bình Thuận kỳ vọng dự án NovaWorld Phan
Thiết khi đi vào hoạt động không những tạo cho tỉnh Bình Thuận có điểm đến du lịch
đạt chuẩn, mà các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đi kèm còn giúp kết nối
tạo thành hệ thống giao thông rộng lớn cho tỉnh, thuận lợi triển khai dự án đầu
tư. Từ đó tiếp sức đưa du lịch Bình Thuận phát triển lên tầm cao mới, nhất
là trong thời điểm Bình Thuận đang đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc
gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”./.
Hữu
Tri