Tập trung hoàn thiện quy hoạch, đa dạng hóa các loại hình nhằm tạo đột phá cho du lịch Bình Thuận
Lượt xem: 1291


(binhthuan.gov.vn) Nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch, tỉnh Bình Thuận đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch gắn với đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh.

Hoàn thiện quy hoạch, chính sách

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với mục tiêu từ đây đến năm 2025, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né nói riêng, các khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh nói chung; xây dựng Bình Thuận là trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, tiến tới xây dựng du lịch Bình Thuận là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho tỉnh “Hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch Bình Thuận; đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh”. Hơn 02 năm qua Bình Thuận đã có những bước chuyển mình đáng kể về tầm nhìn, triển khai quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng và được sự ủng hộ của những nhà đầu tư chiến lược.

Đến nay, Bình Thuận đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của 10/10 huyện, thị xã, thành phố, thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tỉnh đã triển khai xây dựng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tháng 12/2023 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030; đồng thời tích cực triển khai thực hiện định hướng phát triển kiến trúc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bằng nhiều nguồn vốn, UBND tỉnh và cấp huyện đã tập trung đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, kè biển,... đã từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Một số công trình, dự án có quy mô lớn đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, như: Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; tỉnh cũng đang tập trung triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng)…

Ngoài ra, tỉnh thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội đầu tư với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, chuyển dần từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng, nhằm giảm áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các tuyến đường trung tâm huyện lỵ gắn với các công trình phục vụ chỉnh trang đô thị. Từng bước hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong đầu tư, thu hút các dự án du lịch mới có tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, phấn đấu đưa du lịch Bình Thuận sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện ngành tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Rà soát, hoàn chỉnh Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Mặt khác, trong quá trình xây dựng các quy hoạch, đều chú trọng tập trung vào các nội dung quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có quy hoạch quỹ đất công viên, quảng trường, bãi tắm, các đường nhánh xuống biển, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung, bãi đậu xe... đảm bảo đồng bộ, đủ điều kiện, tiện nghi để phục vụ yêu cầu phát triển du lịch, phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.

Đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch

Với quan điểm nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách, tạo sức hấp dẫn để khách du lịch đến không chỉ một lần, thời gian qua, Bình Thuận luôn coi trọng việc đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thế Nhân cho biết, việc đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh đã có bước chuyển biến tiến bộ. Bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan các khu, điểm du lịch ven biển, du lịch tín ngưỡng thông qua các lễ hội truyền thống đã thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách nội địa trong dịp hè, Lễ, Tết và dịp cuối tuần. Bình Thuận còn phát huy tốt loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch cộng đồng,… thu hút khá đông du khách, nhất là tại địa bàn Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong và Phú Quý. Đặc biệt, tuyến du lịch đảo Phú Quý đang là điểm đến thu hút khá đông du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Gần đây Bình Thuận đã hình thành được một số sản phẩm, điểm du lịch mới như: Bãi biển - công viên giải trí NovaWorld, công viên nước Wonderland, khu vui chơi giải trí mạo hiểm trong khu phức hợp Centara, du lịch nông nghiệp, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ… góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách.

Ngoài ra, các khu vực sản xuất rau, hoa, cây cảnh, trang trại thanh long, các cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến hải sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,… đang được tỉnh khuyến khích, hỗ trợ hoạt động, góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Để nâng cao hơn nữa việc “đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát các sản phẩm, loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn như các điểm tham quan du lịch mới tại Mũi Né - Phan Thiết, Bàu Trắng, Cù lao Câu, hồ Hàm Thuận - Đa Mi, Kê Gà - Hàm Thuận Nam, thác Bà - Tánh Linh, đảo Phú Quý, tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng, tour “lên rừng, xuống biển”, tour du lịch “đất liền, biển đảo”…

Cùng với đó là chú trọng bảo vệ, bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng ngập mặn, khu bảo tồn biển. Giữ gìn cảnh quan thiên nhiên sẵn có; phát triển thêm các khu vực khác có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại khu bảo tồn biển Hòn Cau…

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1