(binhthuan.gov.vn) UBND tỉnh vừa
ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận đến năm 2025.
Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao
nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất
thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác
thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tăng cường khả năng
tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt
phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom,
vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên
và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiện toàn hệ
thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu
trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được
phân loại tại nguồn theo quy định. Triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh
hoạt đảm bảo thời gian quy định.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong
năm 2024 UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải ban hành chương trình, kế hoạch, đề
án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất
thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng
tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho đội
ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải
rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân
cư. Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên
địa bàn. Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn
sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Kiện toàn lại hệ thống, mạng
lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp
xã; đồng thời, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp
phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định
và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại. Ban
hành lộ trình, tần suất, thời gian và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển
và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định
của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đến năm 2025, 100% các tổ chức,
cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn
sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở
các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã đạt tỷ lệ 30%. Tỷ lệ chất thải rắn
sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tỷ lệ chất thải rắn
sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%. Tỷ lệ chất thải
rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom,
vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch
phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, các Sở, ngành, địa phương phải phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên
truyền cho người dân biết các văn bản pháp luật liên quan đến chất thải rắn
sinh hoạt; nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn kỹ
thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn việc lưu giữ,
chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
các quy định liên quan đến việc chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại,
chuyển giao, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Quá trình thực hiện phân loại,
lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo phù hợp
với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều
kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính của địa phương.
Nguyễn Phương