image banner
Bình Thuận đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng
Lượt xem: 4185


(binhthuan.gov.vn) Với tốc độ phát triển trong những năm qua, thời gian tới, ngành Công nghiệp Bình Thuận có điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá, khởi sắc hơn. Bên cạnh định hướng huy động hợp lý các nguồn lực, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án thứ cấp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng.

Ngành Công nghiệp tăng trưởng khá

Theo ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công thương, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt kết quả tích cực. Với sự nỗ lực của toàn ngành, từ năm 2020 đến nay, ngành Công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt trên 39.189 tỷ đồng (tăng 15,33% so với năm 2020). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm nhóm nông, lâm, thủy sản của tỉnh có bước phát triển.

Đặc biệt, xác định phát triển nguồn năng lượng tái tạo trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Bình Thuận đã thu hút nhiều dự án năng lượng. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện nay, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia, góp phần đưa tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn từ tháng 02/2020 đến tháng 6/2023, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phát điện thêm 11 nhà máy điện năng lượng tái tạo, tổng công suất hơn 409 MW (gồm: 05 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 175,73 MW; 06 nhà máy điện gió, tổng công suất 234,2 MW). Đến nay, toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất hơn 6.523 MW; sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên 31 tỷ kWh/năm.

Phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng

Thời gian qua, Bình Thuận đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng năng lượng, sớm đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia theo Kết luận số 76-KL/TW, ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tỉnh đang tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.

Để phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo nói chung, ngành điện gió ngoài khơi nói riêng, hiện tỉnh đang rất quan tâm việc chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư các dự án lớn về đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm nhanh chóng phát triển và tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, nhất là trang thiết bị có công nghệ cao, công nghệ nguồn như các turbine gió công suất lớn và ngành công nghiệp môi trường xử lý các máy móc, thiết bị của ngành năng lượng tái tạo hết hạn sử dụng, nhằm tận dụng, tái chế có hiệu quả cao nhất.

Theo Giám đốc Sở Công thương, để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng của tỉnh ngày càng bền vững hơn, trong thời gian tới, cần triển khai các phương án như phát triển công nghiệp, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, các công trình truyền tải điện, điện gió, điện mặt trời, khoáng sản gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, cơ khí, điện tử và công nghiệp phụ trợ, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng kênh phân phối trong và ngoài nước, nhất là hàng hóa chế biến. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng sản phẩm chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông, sân bay, cảng biển,...; tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cơ bản hoàn thành đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các Khu công nghiệp, nhất là đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN - Dịch vụ - Đô thị Hàm Tân - La Gi (giai đoạn 1). Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã có. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, bãi bỏ các khâu, thủ tục không cần thiết; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững. Mặt khác, hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, đào tạo nghề và xúc tiến đầu tư, ưu tiên đào tạo nghề dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp…

Để phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo nói chung, ngành điện gió ngoài khơi nói riêng, tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương chỉ đạo xây dựng chính sách, quy định về việc chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư các dự án lớn về đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm nhanh chóng phát triển và tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị, kỹ thuật, nhất là trang thiết bị có công nghệ cao, công nghệ nguồn như các tuabin gió công suất lớn và ngành công nghiệp môi trường xử lý các máy móc, thiết bị của ngành năng lượng tái tạo hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả cao, hướng đến kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng tái tạo.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1