image banner
Bình Thuận đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Lượt xem: 1365

(binhthuan.gov.vn) Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt quan điểm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư” đã xác định tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/12/2023 của Tỉnh ủy (khoá XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đến năm 2025.

Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Thuận xác định việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đề ra. Theo đó, giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phân cấp đầu tư, thường xuyên rà soát tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc các dự án trong và ngoài ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh công tác thu ngân sách.

Việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tạo sự chủ động cho các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án hàng năm. Sau khi ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm, tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh; định kỳ hàng tháng, tiến hành rà soát đánh giá tiến độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để phân khai kế hoạch vốn được giao nhất là các công trình trọng điểm, qua đó đã giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn cho các dự án, điều chỉnh vốn giữa các dự án cho phù hợp với tiến độ thực hiện.

Kết quả ước thực hiện qua 3 năm (2021-2023), tỉnh đã thu hút tổng vốn thực hiện đầu tư toàn xã hội hơn 122 nghìn tỷ đồng, đạt 48,98% so với mục tiêu 5 năm (2021 - 2025) tại Nghị quyết số 08-NQ/TU. Trong đó, vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước hơn 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,06% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chi đầu tư phát triển đạt hơn 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,65% so với tổng chi ngân sách địa phương. Qua đó, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm trong 2 năm (2021-2022) đạt 5,05%/năm; ước bình quân hàng năm trong 3 năm (2021-2023) đạt 5,76%. Dự kiến giải ngân vốn giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 90% kế hoạch giao.

Bên cạnh huy động nguồn vốn đầu tư nguồn ngân sách tỉnh, Bình Thuận cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương tiến hành đầu tư một số công trình lớn trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021 - 2023 tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều dự án trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,…; trong đó có nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm được triển khai đầu tư, nhất là lĩnh vực giao thông, như: Sân bay Phan Thiết (hạng mục quốc phòng); Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận; các dự án giao thông có tính liên kết vùng trong tỉnh như, các tuyến đường ven biển (ĐT.719, ĐT.719B - đoạn Phan Thiết - Kê Gà và đoạn Hòn Lan - Tân Hải); đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; cầu Văn Thánh (thành phố Phan Thiết) được đầu tư dần hình thành và đưa vào khai thác. 

Nhờ thực hiện tốt quan điểm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư”, đầu tư cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại nên tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều dự án ngoài ngân sách Nhà nước. Kết quả từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 67 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất 924 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 60 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 466,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 120 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là hơn 7,5 nghìn tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Có 1.174 dự án đã hoạt động kinh doanh (chiếm 72,6%), 220 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 13,6%) và 223 dự án chậm chưa triển khai (chiếm 13,8%).

Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I với tổng vốn đăng ký hơn 47,4 nghìn tỷ đồng, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với tổng vốn đăng ký hơn 49,5 nghìn tỷ đồng; Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn hơn 31,4 nghìn tỷ đồng… Nhiều nhà đầu tư chiến lực, nhà đầu tư lớn cũng đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Triển khai đồng bộ các biện pháp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn 03 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; một số dự án chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm; nhiều dự án bố trí vốn thực hiện nhưng tiến độ thi công dự án còn chậm do vướng đền bù giải phóng mặt bằng...

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 và Kế hoạch số 786/KH-UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV).

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bức xúc theo kế hoạch, nhất là Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến đường ven biển, các tuyến tường kết nối liên vùng, các công trình thủy lợi… Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược, có năng lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, ODA... để đầu tư kết cấu hạ tầng cho tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công trình dự án đầu tư phát triển. Tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng…

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1