
(binhthuan.gov.vn) Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có
khoảng 27.787 ha thanh long, với sản lượng 594.000 tấn. Trong đó, giống thanh
long ruột trắng chiếm diện tích khoảng 80%; diện tích còn lại là thanh long
ruột đỏ, ruột tím hồng...
Hiện nay, khoảng 50% diện tích thanh long của tỉnh
được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước; tưới nhỏ giọt kết hợp với bón
phân; góp phần làm giảm lượng phân bón và nước tưới cho cây thanh long, giảm
sức lao động, an toàn cho người và môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất thanh long trên địa bàn
tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều,
chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế
thị trường; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp;
khâu bảo quản chế biến phát triển còn yếu, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất
lượng, có thương hiệu xuất khẩu thấp. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ không ổn định,
giá cả còn bấp bênh; khả năng cạnh tranh còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa
dạng, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Tình hình chế biến thanh long trên địa
bàn tỉnh chỉ ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao; bao bì, mẫu
mã còn đơn giản.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung tổ
chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng
công nghệ cao, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nghiên cứu xây dựng cơ
chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, chất
lượng, phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường
trong nước và xuất khẩu. Liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương về tình
hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để xác định thị trường tiêu thụ;
phát huy vai trò của các Hợp tác xã trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm
kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dần hình thành chuỗi giá trị
hàng hóa bền vững từ đầu vào đến đầu ra; phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản
thanh long tươi.
Rà soát tình hình sản xuất và xây dựng kế hoạch sản
xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu
tiêu chuẩn, quy chuẩn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất,
truy xuất nguồn gốc; quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long
đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số
vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định.
Thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa
tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng
bá, giới thiệu thương hiệu thanh long Bình Thuận, tìm kiếm khách hàng. Triển
khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh
nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử,
tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử.
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để thu hút
đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh
nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao,
đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm
giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi. Tăng cường thông tin về thị trường, chú
trọng công tác khuyến nông trong tổ chức xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho
sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ.
Tiếp tục thực hiện và xây dựng chính sách hỗ trợ đối
với cây thanh long theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến bảo quản, sơ chế,
tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, duy trì diện tích sản xuất thanh long
VietGAP.
Nguyễn Phương