Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính
(binhthuan.gov.vn) Ngày
20/4, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Chương trình Phát triển
Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ
kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà
kính. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến
nông quốc gia, một số chuyên gia, nhà khoa học… Về phía tỉnh Bình Thuận có lãnh
đạo một số sở, ban, ngành, địa phương và một số hợp tác xã, doanh nghiệp liên
quan.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh,
năm 2021, Bình Thuận được tham gia Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu
tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp
trong thực hiện NDC của Việt Nam”. Dự án triển khai tại 3 huyện Bắc Bình, Hàm
Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, với 4 hoạt động chính là thúc đẩy phát triển nâng
cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền
vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá phát triển thương hiệu cho sản
phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số
trong quản lý và sản xuất thanh long; kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế
ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện
môi trường, phát thải carbon thấp.
Dự án được triển khai tại 4 hợp
tác xã với với 4.500 người hưởng lợi, trong đó số người hưởng lợi trực tiếp
trên 1.000 người. Đến nay, đã có 100% hộ thành viên hợp tác xã sử dụng đèn Led
9W, tiết kiệm được từ 55-78% điện năng tiêu thụ. Việc áp dụng hệ thống tưới nước
tiết kiệm giúp giảm khoảng 41,67% lượng nước; ứng dụng nhật ký điện tử “Chuỗi
thanh long xanh”; sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP giúp các hợp tác xã có đủ
điều kiện để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp.
Mặt khác, qua đào tạo tập huấn đã thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản
xuất thanh long được nâng cao; các hợp tác xã lập được kế hoạch kinh doanh
xanh, từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra
sản phẩm được tích hợp đa giá trị…
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục
nhân rộng các hoạt động của dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh; phát triển số
hóa chuỗi cung ứng thanh long nói riêng và chuỗi cung ứng nông nghiệp nói
chung.
Tại hội thảo, các đại biểu đã
trình bày và thảo luận các nội dung liên quan đến “Đề án phát triển thanh
long bền vững, hiệu quả và ít phát thải”; một số giải pháp, công
nghệ và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần
hoàn, giảm thiểu phát thải khi nhà kính…
Theo Viện Nghiên cứu Bông và
Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cây thanh long đang bị cạnh tranh gay gắt
nên hiệu quả sản xuất giảm đáng kể, nhiều diện tích thanh long đã
chuyển sang các cây trồng khác nhưng chưa ổn định và bền vững. Vì
thế, để cây thanh long phát triển bền vững thì cần rà soát và xác
định vùng trồng tối ưu; dần khuyến khích nông dân chuyển đổi sang
giống chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, ứng dụng
các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong canh tác như khai thác lệch
vụ với thị trường Trung Quốc, chú ý đến công nghệ chế biến và
chế biến sâu từ quả thanh long…
Các đại biểu cũng nêu thách thức đối
với phát triển ngành hàng thanh long hiện nay là chất lượng không ổn định, chủ
yếu sản phẩm tươi, công nghệ chế biến đơn giản và quy mô nhỏ... dẫn đến chưa tiếp
cận được với thị trường có giá trị gia tăng cao. Do đó, giải pháp đặt ra là cấp
mã số vùng trồng, hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP. Đồng thời đầu tư hệ thống
hạ tầng logistics đồng bộ cho thanh long...
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại
biểu đã đến tham quan mô hình ứng dụng nông nghiệp số và ứng dụng tiến bộ kỹ
thuật công nghệ thúc đẩy sản xuất thanh long giảm phát thải tại hợp tác xã Hợp
tác xã thanh long Phú Hội (Hàm Thuận Bắc).
TT Dân