Nhiều triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận

(binhthuan.gov.vn) Đây là
chủ đề hội thảo khoa học được Liên
hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận phối hợp cùng Tập đoàn Copenhagen Infrastructure
Partners (CIP) của Đan Mạch vừa tổ chức vào ngày
29/8/2023 tại thành Phan Thiết.
Đến dự hội thảo có ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình
Thuận Phan Văn Đăng cùng hơn 50 khách mời là đại diện các sở ngành, đơn
vị, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia… quan tâm đến điện gió ngoài khơi.
Về phía đơn vị chủ trì, tổ
chức có Chủ tịch Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lương Thanh Sơn; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đỗ Văn Thái; ông Stuart Livesey, Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những cơ hội đem lại cho Bình Thuận trên
lĩnh vực điện gió ngoài khơi
cũng như lợi ích về kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng và cơ hội việc làm.
Cùng với đó là tiềm năng phát triển
kinh tế biển song hành với
các hoạt động hiện hữu: Đánh bắt
thủy hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái hay hoạt động kinh tế biển khác…
Tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật tỉnh Lương Thanh Sơn cho rằng, hiện nay lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận
đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, bên
cạnh một số kết quả đạt được trong định hướng phát triển kinh tế biển và phát
triển điện gió ngoài khơi,
thì việc triển khai thực hiện các hoạt động có liên quan lĩnh vực này còn nhiều
khó khăn, vướng mắc… Vì vậy đề nghị đại biểu tham dự hội thảo cần chia sẻ thêm
những kinh nghiệm hay trên thế giới về triển khai thực hiện điện gió ngoài khơi, đồng thời đề xuất giải
pháp, kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan
Văn Đăng cho biết, quan điểm của tỉnh Bình Thuận rất ủng hộ các nhà đầu
tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm đến đầu tư điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận. UBND tỉnh
luôn cam kết tạo môi trường thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư trong quá trình
triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại đây…
Hội thảo lần này cũng dành
thời gian để đại diện các sở ngành, đơn vị, chuyên gia thảo luận, trao đổi về
những vấn đề liên quan đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Như: Giới thiệu chung về tiềm năng tài nguyên
biển Bình Thuận và những định hướng ưu tiên phát triển kinh tế biển của tỉnh; Triển
vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi).
Bên cạnh đó, hội thảo cũng
được nghe tham luận về định hướng quy hoạch không gian biển và vùng bờ phục vụ
phát triển kinh tế biển tại Bình Thuận (TS. Nguyễn Thị Như Mai - Chuyên gia độc
lập trình bày); Phát triển bền vững kinh tế biển Bình Thuận: Vấn đề và giải
pháp (đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày)…
Qua trao đổi, chia sẻ kinh
nghiệm tại hội thảo cho thấy việc
phát triển ngành điện gió ngoài khơi có thể mang lại nhiều lợi ích đối với cộng đồng cũng như phát triển hài hòa các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch và bảo
tồn hệ sinh thái nếu áp dụng các
tiêu chuẩn quốc tế cao. Bình Thuận là địa phương được
đánh giá có tiềm năng năng lượng gió cao nhất cả nước, số giờ gió trung bình
cao hơn so số giờ trung bình ở phía Nam và tốc độ gió ổn định, đây chính là lợi
thế để phát triển điển gió ngoài khơi trong thời gian tới./.
Hữu Tri