Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao
(binhthuan.gov.vn) Để phát triển ngành
nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, trong thời gian qua UBND
tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống
thủy lợi; từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 07 hồ chứa nước;
tiếp tục đầu tư xây dựng 04 dự án, công trình thủy lợi; 14 công trình tưới tiết
kiệm nước; kiên cố hóa khoảng 24 km kênh nội đồng... đã góp phần đảm bảo nguồn
nước phục vụ sản xuất.
Theo đó, cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp
của tỉnh ta từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa
phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút được một số dự án đầu tư sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn tỉnh có 03 doanh nghiệp
được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng;
những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu
quả hơn; từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi 17.734 ha, nhìn chung các
loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều phát triển tốt, cho năng suất, hiệu
quả cao hơn so với sản xuất lúa.
Cây thanh long vẫn là cây trồng lợi thế của
tỉnh, việc sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ được quan tâm thực hiện;
hiện nay, toàn tỉnh có 9.037 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, 560,5
ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp
chứng nhận hữu cơ. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo
quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh
tế cao.
Ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển từ nhỏ lẻ
sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát môi trường và dịch
bệnh; hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 230 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập
trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn, ứng dụng
công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Công tác phòng, chống
dịch bệnh và kiểm soát giết mổ trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường; tổng
sản lượng thịt hơi các loại năm 2022 đạt 85.577 tấn, tăng 25,2% so với năm 2020.
Kinh tế thuỷ sản của tỉnh tiếp tục phát
triển ổn định, tập trung nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng, gắn với chế
biến gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có 1.962 tàu cá chiều
dài từ 15m trở lên, hầu hết đều được trang bị an toàn, sử dụng trang thiết bị
hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển, góp phần đưa sản lượng khai thác thuỷ sản
năm 2022 đạt 231.328 tấn, tăng 4,4% so với năm 2020.
Nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng
bền vững, tập trung thâm canh, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường;
tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc
hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững; sản lượng
thủy sản nuôi trồng năm 2022 đạt 12.603 tấn, tăng 4,5% so năm 2020. Thương hiệu
tôm giống Bình Thuận giữ vững uy tín; sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 25,39 tỷ
post, tăng 2,3% so năm 2020.
Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục phát
triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ
cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tuyên truyền chuyển mạnh tư duy từ sản
xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị
trường. Đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi
giá trị; thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp
tác theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo
ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ.
Nguyễn Phương