
(binhthuan.gov.vn)
Hiện nay, nước ta có sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, nhưng về giá
trị thì rất khiêm tốn, vì gạo của nước ta đang ở phân khúc trung bình thấp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các
thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao và bền vững thì việc chuyển đổi sản xuất
lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn gắn với tiêu thụ là một hướng đi đúng
đắn nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thực hiện
tái cơ cấu ngành lúa gạo của nước ta đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp
sang dần các thị trường cấp cao và từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo.
Để thực hiện mục tiêu trên, từ vụ Hè Thu năm 2022 đến nay Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học tại huyện Tánh Linh. Giống lúa ST25 được sử dụng gieo trồng có thời gian sinh trưởng là 105 ngày, khả năng đẻ nhánh trung bình, hạt gạo thon dài, trắng, cơm mềm dẻo, lúa cứng cây, bộ lá thon gọn thuận lợi cho quá trình quang hợp, kháng sâu bệnh khá tốt.

Gạo ST25 được trồng tại
huyện Tánh Linh
Việc sản xuất lúa
ST25 theo hướng an toàn sinh học được áp dụng với mật độ gieo sạ hợp lý, chỉ sử
dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết, đồng thời
tăng cường bón phân hữu cơ và giảm lượng phân bón hoá học nên ít độc hại, thân
thiện với môi trường, gạo thu được đảm bảo an toàn và chất lượng phù hợp với định
hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Năng suất thu được 5,2 tấn/ha,
giá bán lúa là 9.000 đồng/kg, tổng thu là 46.800 ngàn đồng/ha. Sau khi trừ chi
phí lợi nhuận thu được là 11.700 ngàn đồng/ha.
Kết quả bước đầu cho
thấy, mô hình canh tác lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học đã mang lại nhiều lợi
ích, không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có lợi cho sức khoẻ con người
mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của nông dân, góp phần
bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng.
Để phát triển sản phẩm
lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn bền vững, đưa ngành lúa gạo hội nhập
sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trong thời gian tới Bình Thuận sẽ cùng với cả
nước tổ chức lại sản xuất, hình thành cánh đồng lớn, liên kết với hộ nông dân;
tổ chức mô hình hợp tác sản xuất mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng
lúa. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu
và phát triển thị trường mới.
Nguyễn Phương