Sớm xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển
(binhthuan.gov.vn) Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết
định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác,
dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Theo đó, mục tiêu của Đề án đến năm 2030, xây dựng đảo Phú
Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn
trên biển của vùng và cả nước. Phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập
trung vào khai thác thuỷ sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu
cần nghề cá, là Trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp,
cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với
bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng thời, đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30
m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá
hoạt động trên ngư trường vùng biển tỉnh Bình Thuận và các khu vực biển lân cận.
Đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ
trong, ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối
đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực
phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác. Đầu tư nâng cấp, phát triển cảng cá
Phú Quý kết hợp tránh trú bão cho tàu cá trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần
cho khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản trên biển, thương mại nghề cá của
khu vực và Quốc gia; hỗ trợ hiệu quả cho nuôi biển, các tàu cá trong và ngoài tỉnh
hoạt động trên ngư trường vùng biển của tỉnh và các khu vực biển lân cận; cải
thiện điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá trên đảo phù hợp với điều kiện đặc thù
của địa phương, nâng cao đời sống của ngư dân trên đảo.
Mục tiêu đến năm 2045, đảo Phú Quý trở Thành trung tâm khai
thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phát triển đồng bộ,
toàn diện, hiện đại ngang tầm với các Trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực
và trên thế giới, tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển,
nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động
khai thác và vận tải trên biển, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ
quốc.
Để xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu
cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong thời gian tới Trung ương
sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;
đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho Cảng cá Phú Quý; kiểm soát
các hoạt động khai thác IUU; tổ chức lại hoạt động sản xuất trên biển. Xây dựng
khu dịch vụ hậu cần nghề cá; đầu tư cho các dịch vụ xã hội, nhất là thiết bị y
tế, nhân lực, cơ sở dịch vụ y tế trên đảo phục vụ công tác khám và chữa bệnh
cho người dân. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ tìm
kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý để trở thành Trung tâm cấp vùng; các dịch vụ cứu
hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA của các
nhà tài trợ và nguồn vốn xã hội hoá theo quy định để đầu tư xây dựng, nâng cấp,
mở rộng cảng cá đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và
đầu tư khi neo đậu tránh trú bão để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng
phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức,
doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác
cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá và các hạng mục công trình sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ nghề cá; cho phép đầu tư khai thác, kinh doanh dịch vụ, du lịch
và các dịch vụ khác trên vùng đất khu vực cảng cá, khu neo đậu tàu cá sau đầu
tư.
Nguyễn Phương