Thanh long Bình Thuận sử dụng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch
Lượt xem: 975

 

(binhthuan.gov.vn) Thanh long Bình Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) năm 2006. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh việc cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ các đơn vị đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, góp phần giữ vững thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

 

Tính đến nay, toàn tỉnh có 103 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long được cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”. Có thể thấy từ khi có chỉ dẫn địa lý, thanh long Bình Thuận đã thâm nhập được những thị trường khó tính, như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...; việc dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường đã tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, khẳng định thương hiệu, uy tín của thanh long Bình Thuận đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Hiện nay, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT" đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ, như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Các Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, gồm: Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hồng Sơn, Hàm Minh 30.

 

Bên cạnh đó, một số quốc gia yêu cầu thanh long của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, để có thể xuất khẩu sang những thị trường giàu tiềm năng này, thanh long Bình Thuận bắt buộc phải đáp ứng được những yêu cầu về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, để được cấp mã số vùng trồng, yêu cầu về điều kiện canh tác cần áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, gồm những yêu cầu trong sản xuất trồng trọt để bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Với sự nỗ lực của các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh, đến nay tỉnh Bình Thuận đã có 611 mã số vùng trồng thanh long và 302 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, có 129 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; 157 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Úc; 157 mã số vùng trồng xuất khẩu sang New Zealand; 72 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 07 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản; 91 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 279 mã số; mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand là 23 mã số.

 

Nguyễn Phương

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1