image banner
Thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm
Lượt xem: 802

(binhthuan.gov.vn) Ngày 22/8, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm.

Việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, tạo dựng được hình ảnh, uy tín và thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Một trong những hình thức hữu hiệu nhất là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Với sự tham mưu tích cực của Sở Khoa học và Công nghệ, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long, đối với đăng ký nước ngoài đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” tại 13 nước; Hiệp hội nước mắm Phan Thiết được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm, đối với đăng ký nước ngoài được bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM – FISHSAUCE & hình” tại 03 nước: Hoa Kỳ, Thái Lan và Camphuchia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm 30 nhãn hiệu tập thể và 08 nhãn hiệu chứng nhận. Về sản phẩm OCOP, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 76 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Hoài Trung cho biết: Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã xác định các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tập trung xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều gian nan. Việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập... Phần lớn các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật khi đi ra thị trường quốc tế. Chính vì vậy, xuất khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hiện nay rất ít, phần lớn xuất sang một thị trường trung gian nên các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem chỉ dẫn địa lý (trên sản phẩm và bao bì đựng sản phẩm). Nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò và ý nghĩa chỉ dẫn địa lý chưa cao; giá trị của sản phẩm mang và không mang chỉ dẫn địa lý như nhau; hầu hết các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý.

Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận và nước mắm Phan Thiết trong và ngoài nước. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến công tác bảo vệ, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” góp phần phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp và cộng đồng người sản xuất, kinh doanh.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi về các chuyên đề, như: Ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần đổi mới phương thức trong sản xuất và thương mại bền vững; định hướng hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, phương pháp đưa nông sản lên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội - thúc đẩy doanh thu bán hàng; kinh nghiệm khai thác tài sản trí tuệ và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp và vận dụng cho sản phẩm thanh long “Bình Thuận” và nước mắm “Phan Thiết”… Hội nghị cũng là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân trao đổi giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Bình Thuận.

Thông qua Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về lợi ích sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm, hướng tới gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của Bình Thuận.

Phạm Huệ

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1