Tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai trồng rừng thay thế đồng bộ với tiến độ xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét

(binhthuan.gov.vn) Bình Thuận là tỉnh thường
xuyên bị hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, do đó hàng năm vào mùa khô nhiều địa
phương đã phải cắt giảm khoảng 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, điều này
đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân và mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương.
Do đó, sau khi được Quốc hội phê duyệt Chủ
trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam năm 2019. UBND tỉnh
đã nhanh chóng chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các bước
tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ dự án này.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét có dung tích thiết kế 51,21 triệu m3,
trong đó dung tích hữu ích là 47,41 triệu m3; xây dựng hệ thống kênh
và các công trình phụ trợ khác. Đây là công trình sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng
7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu
công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô
để cấp nước sinh hoạt cho 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành
phố Phan Thiết. Ngoài ra, hồ chứa nước này còn giúp phòng chống lũ và cải tạo
môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh
Bình Thuận. Dự án hoàn thành sẽ giúp tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải
thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết,
góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Vị trí giữa lòng hồ Ka Pét vào mùa mưa
Việc dư luận mấy ngày qua đang rất quan tâm trước thông tin hàng trăm ha
đất rừng sẽ phải nhường chỗ để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận
Nam là do tiếp cận những thông tin chưa chính xác. Các Báo, Tạp chí đưa thông
tin chưa chính xác về nội dung này đã kịp thời đính chính lại thông tin. Thực tế,
theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, hồ chứa nước Ka Pét nằm
trong vùng nhiều nắng, gió và là khu vực khô hạn nhất cả nước, lượng mưa thấp,
cần thiết phải có hồ để tích nước dự trữ; việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét chỉ
tác động chủ yếu đến hệ thủy sinh và động thực vật trên cạn. Hơn nữa, hồ Ka Pét
không chỉ cấp nước cho khu tưới mà còn phục vụ hệ thống nối mạng thủy lợi bổ
sung nguồn chủ động cho các công trình thủy lợi cho cả khu vực phía Nam tỉnh
Bình Thuận.
Về trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha (cho 144,74ha rừng tự nhiên). Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410,32ha được giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo và đề nghị bổ sung một số khu
vực khác để trồng rừng thay thế phù hợp, như mở rộng trồng rừng thay thế hơn
2.000 ha tại khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất. Nếu được Quốc hội cho
phép, tỉnh Bình Thuận có thể triển khai trồng đồng thời trên diện rộng, rút ngắn
thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế của dự án và đồng bộ với tiến độ
hoàn thành xây dựng công trình của dự án.
Nguyễn Phương