(binhthuan.gov.vn) Mỹ Thạnh chào đón tôi bằng cái nắng
khô gay gắt. Sông Bà Bích bây giờ cạn trơ đáy, chỉ
còn vài nhúm nước nhỏ đọng lại đủ để tôi hình
dung ra đây là dấu tích của một dòng sông, chứ không
phải một bãi đất trống do khai thác rừng khộp.
Khó, khô, khổ
Tôi lên Mỹ Thạnh vào một ngày tháng 4 đầy nắng và
gió đặc trưng của mùa khô ở Bình Thuận. Chạy xuyên
qua những bóng cây loang lổ; ngước lên, những tán cây
rừng khộp đang đung đưa theo gió như chào đón tôi đến
với nơi này. Dọc đường, tôi dễ dàng bắt gặp những
chiếc xe máy chở theo lỉnh kỉnh nông sản, nước giải
khát và cơm hộp đang hướng về vùng cao Mỹ Thạnh. Đó
là những “chợ di động” đang hối hả chạy đua với
ánh nắng mặt trời của mùa hè để kịp phục vụ bà
con Nhân dân tại đây.
Xã Mỹ Thạnh nhìn từ trên cao
Mỹ Thạnh là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hàm
Thuận Nam, cách trung tâm huyện 46 km. Đây là địa phương
có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 263
hộ/981 khẩu, chiếm 92,6% dân số toàn xã. Sinh kế của
người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng mỗi
năm chỉ làm được một vụ, chăn nuôi chủ yếu vẫn là
thả rông.
Không khó để bắt gặp
hình ảnh bò thả rông tại Mỹ Thạnh mùa này
08 giờ sáng, gió mang theo hơi nóng phả vào mặt càng
khiến bầu không khí thêm phần bí bách. Đi sâu vào trong
xã, tiếng gió reo giữa núi rừng ngỡ như tiếng suối
chảy đâu đây. Nheo mắt lại vì nắng và bụi để nhìn
vào từng khu đất sản xuất của người dân, tôi chỉ
thấy màu nâu vàng của những thửa đất bị bỏ hoang do
thiếu nước. Xa xa, đàn bò thả rông đang lững thững đi
bộ từ thôn 2 xuống thôn 1 để cố tìm kiếm chút ngọn
cỏ xanh còn sót lại ven đường.
“Thời tiết năm nay ở địa phương rất khô hạn. Hiện
tại là cao điểm của mùa khô nên địa phương đang đối
mặt với tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nước
phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong thời điểm như
thế này, chỉ có thể sử dụng một giếng chống hạn
duy nhất để phục vụ nước sinh hoạt cho bà con”, anh
Hoàng Ngọc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh, thông
tin với tôi.
Đất canh tác phải bỏ
hoang vì không có nước tưới tiêu
Theo chân anh Bí thư Đảng ủy xã, tôi men theo đường
rừng để đi sâu vào bên trong rẫy canh tác của người
dân, vừa đi anh vừa giải thích: “Mùa này khô hạn,
không có nước sản xuất, người dân ở đây thường
phải đi nơi khác làm thuê, hoặc vào rừng xắn măng kiếm
thêm trang trải cho cuộc sống. Cây trồng chủ lực của
địa phương chủ yếu là bắp lai, nhưng năm vừa rồi
mất mùa, giá không cao. Hiện bà con đang thu hái điều,
nhưng năng suất thấp, giá cả không đảm bảo so với
các địa phương khác”.
Năm 2023, người dân xã Mỹ Thạnh đầu tư trồng bắp
nhiều hơn trồng mì vì bắp đang được mùa, được giá.
Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi đã khiến năng
suất bắp sụt giảm, giá bán chỉ dao động trong khoảng
4.000 - 5.000 đồng/ký. Nhiều hộ dân trồng bắp tại xã
đều lâm vào cảnh nợ Trung tâm Dịch vụ miền núi - đơn
vị đầu tư ứng trước phân, giống cho bà con sản xuất.
Trò chuyện với một số người dân đang hái điều trong
khu vực rẫy, số phận cây điều cũng không khác gì mấy
so với câu chuyện trồng bắp. Chị Hoàng Thị Dự cho
biết, nhà chị có 01 ha điều. Mọi năm thời tiết thuận
lợi, chị có thể thu hoạch được 60 ký điều/ngày. Năm
nay, con số này chỉ dừng lại ở mức 30.
Người dân đang thu hoạch điều
Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thạnh, địa phương hiện
đang có hơn 19.500 ha đất nông nghiệp; trong đó đất
trồng cây lâu năm khoảng 547 ha. Tuy nhiên, toàn xã chỉ
có 22,5 ha điều với tổng sản lượng thu hoạch là 40
tấn (số liệu năm 2023). Đây cũng là cây công nghiệp
lâu năm duy nhất mang lại giá trị kinh tế cao có thể
tồn tại trên địa bàn xã do đặc tính chịu hạn. Thiếu
nước sản xuất, năng suất cây điều sụt giảm là điều
không thể tránh khỏi.
Tương tự, với hơn 18 ha thanh long đang được canh tác
trên địa bàn xã, vì thiếu nước tưới tiêu, nông dân
xã Mỹ Thạnh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để
cây tự tồn tại cho đến khi mưa giải hạn trên trời
trút xuống.
Anh Trần Văn Lang trở về nhà sau một chuyến đi rẫy
“Còn nước đâu mà làm”, anh Trần Văn Lang, một nông
dân tại thôn 1, xã Mỹ Thạnh trả lời tôi khi được
hỏi về vườn thanh long của gia đình. Được biết, anh
là một người có uy tín của thôn, bản thân anh là một
người nông dân chăm chỉ, chất phác. Trước đây, anh có
vay hơn 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi dành
cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm vườn thanh long cải
thiện thu nhập. Sau hơn 01 năm, anh đã trả được hết
dư nợ.
Trò chuyện với tôi, anh Lang cho biết: “Mùa này không có
nước nên ở không thôi, chứ biết nước ở đâu mà
làm. Vườn thanh long thì khi nào đến mùa mưa mình chăm
sóc lại, chứ giờ biết sao. Không có nguồn thu nhập gì
hết, mùa mưa thì còn có thanh long, chứ mùa này thì
thua”.
Toàn
xã Mỹ Thạnh hiện có 188 hộ nghèo cận nghèo/tổng số
284 hộ, chiếm tỷ lệ 66,2%
Thu nhập bấp bênh do khô hạn, bữa cơm trưa của gia đình
vợ chồng anh Lang chỉ vọn vẹn vài món đơn giản gồm:
cháo với ít thịt bằm dành cho người con nhỏ còn đang
bú mẹ; cà tím luộc và canh rau.
Bấy giờ đã hơn 11 giờ trưa, mặt trời đang treo trên
đỉnh đầu khiến tôi càng cảm nhận rõ ràng sự khô
hạn tại đây tác động lớn như thế nào đến công tác
xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia như dự án hỗ trợ bò cái sinh
sản, hỗ trợ bò thuộc chương trình giảm nghèo bền
vững; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận
chuyển giống, vật tư được triển khai đã phát huy khá
hiệu quả, góp phần giúp đồng bào xã Mỹ Thạnh có đủ
giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để
sản xuất.
UBND xã cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn triển khai Dự án tăng cường khả năng
chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn
nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam
Trung bộ (SACCR) của tỉnh Bình Thuận cho các hộ nghèo,
cận nghèo để hỗ trợ vật tư nông nghiệp, đào ao…
Đồng thời Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã vận động
các doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con
giống chăn nuôi, tạo mọi điều kiện để người dân
tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhìn chung,
các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc
thiểu số được triển khai ở Mỹ Thạnh đã đem lại
kết quả nhất định, giúp cho đời sống của người
dân nơi đây có bước phát triển.
Tuy nhiên, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”,
với một xã thuần nông như Mỹ Thạnh, khó khăn lớn
nhất bao lâu nay ở địa phương vẫn là tình trạng thiếu
nước sản xuất vào mùa khô. Mặc dù có cấp đất, có
vốn, có hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhưng hình
thức canh tác cũng như chăn nuôi của người dân chủ yếu
phụ thuộc vào nguồn nước từ trên trời rơi xuống do
chưa có dự án thủy lợi hoàn chỉnh tại đây.
Không có nguồn nước ổn định, nông nghiệp ở xã Mỹ
Thạnh hết sức bấp bênh. Trong năm 2023, tổng sản lượng
lương thực của xã ước đạt 2044 tấn, đạt 89,65% chỉ
tiêu kế hoạch giao. Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng
trẻ em dưới 05 tuổi tại xã là 14,45%. Cái nghèo, cái
khổ do thiếu nước còn hiện lên rất rõ trên từng mảnh
đất sản xuất của người dân, hay hình ảnh những con
bò thả rông do không có nguồn thức ăn ổn định. Đấy
cũng là nguyên nhân mà đến bây giờ, toàn
xã có 188 hộ nghèo, cận nghèo/tổng số 284 hộ, chiếm tỷ
lệ 66,2%.
Trông
mong hồ Ka Pét
Thiếu
nước, bài toán chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi
để giúp bà con Mỹ Thạnh thoát nghèo, cải thiện đời
sống luôn khiến Đảng ủy, Chính quyền xã bối rối và
tìm cách giải quyết.
“Vừa
qua, cũng có doanh nghiệp tìm đến địa phương để triển
khai thí điểm mô hình trồng cây sầu riêng. Địa phương
mừng lắm. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã xác định
rõ, có doanh nghiệp về tìm hiểu cơ hội đầu tư, là
địa phương sẵn sàng hỗ trợ hết mức có thể để
cùng với doanh nghiệp cải thiện sinh kế cho bà con Nhân
dân”, anh Hoàng Ngọc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ
Thạnh phấn khởi kể cho tôi nghe về tín hiệu tích cực
trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn.
Một
thoáng ngập ngừng, anh nói tiếp “Giá mà có thể giải
quyết dứt điểm bài toán đảm bảo nguồn nước đầy
đủ cho địa phương thì tốt biết mấy. Như em thấy
đấy, toàn bộ hoạt động sản xuất, chăn nuôi của địa
phương đều trông chờ vào nước. Thiếu nước, trồng
cây gì, nuôi con gì cũng hết sức khó khăn”.
Lòng
sông Bà Bích cạn trơ đáy
Bình
Thuận là một trong những tỉnh có tổng lượng mưa hàng
năm ít nhất cả nước, mùa mưa chiếm 80-90% tổng lượng
mưa hàng năm và tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến
tháng 10. Nguồn nước ngầm của tỉnh không nhiều, có
nơi bị nhiễm mặn, phèn. Nguồn tài nguyên nước của
tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt của các lưu
vực sông chính; tuy nhiên, hệ thống sông suối của tỉnh
đa số chảy trực tiếp ra Biển Đông, phần lớn ngắn
và rất dốc. Chính vì thế, mùa lũ nước sông lên và
xuống nhanh, nước ngọt có khi ra đến tận cửa sông;
mùa khô dòng chảy kiệt xuống rất thấp, thậm chí nhiều
sông suối khô cạn suốt nhiều tháng liền, một số cửa
sông lớn bị xâm nhập mặn vào sâu.
Để
khắc phục tình trạng này, ngay từ khi tái lập tỉnh
(1992), Bình Thuận đã chú trọng xây dựng hệ thống hồ,
đập chứa nước và hệ thống kênh dẫn kết nối các
hồ chứa với nhau, trong đó có Dự án hồ chứa nước
Ka Pét. Cũng cần phải nói thêm rằng, dự án này đã
được đưa vào quy hoạch thủy lợi của tỉnh từ năm
1995. Tuy nhiên do không bố trí được nguồn vốn nên đến
năm 2015 tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu xin các thủ tục.
Đến ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua tại Nghị
quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ
chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Dự án
hồ chứa nước Ka Pét chính là cứu cánh lâu dài cho vùng
đất khô hạn này. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa
nước Ka Pét có quy mô dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3
sẽ góp phần quan trọng trong việc cấp nước sản xuất
cho khoảng 12.000 hộ dân của huyện Hàm Thuận Nam; trong
đó, có các hộ nghèo, cận nghèo của xã Mỹ Thạnh.
Bồn
nước nhựa được người dân che đậy để tăng độ
bền dưới cái nắng gay gắt tại Mỹ Thạnh
Xuyên
suốt chuyến hành trình tại Mỹ Thạnh, tôi đã thấy
những người dân địa phương đang gắng gượng làm việc
hết mình, nhưng vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bất
lực khi đối mặt với thiên nhiên không khoan nhượng.
Tiếp xúc với họ, có thể dễ dàng thấy được mọi
khao khát đều tập trung vào việc có được nguồn nước
ổn định từ Ka Pét. Có Ka Pét, vùng đất khó, khô, khổ
nơi đây mới có thêm điều kiện phát triển, không còn
đối mặt với nỗi lo muôn thuở vì thiếu nước.
Bữa
cơm đạm bạc của gia đình anh Trần Văn Lang trong mùa khô
hạn càng khiến anh trông mong vào dự án hồ Ka Pét. “Nếu
có hồ Ka Pét, có nước thì quá là đẹp. Nước nôi đầy
đủ muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng dễ. Giờ muốn
làm cái gì cũng khó, đến cỏ cũng không mọc nổi thì
lấy gì cho bò nó ăn. Anh giờ chỉ trông chờ có nước
thôi, muốn làm cái gì cũng cần phải có nước tưới”,
anh Trần Văn Lang tâm sự với tôi khi được hỏi về dự
án.
14 giờ trưa, dưới cái nắng hè đổ lửa, tôi xuôi về
Phan Thiết, kết thúc chuyến hành trình của mình. Ven
đường, những tán cây rừng khộp vẫn giữ lại một ít
màu xanh vì sống trên vùng đất khô cằn, chúng đã quá
thích nghi. Những tán rừng mùa này đang chờ một cơn mưa
xuống và sẽ lại tiếp tục xanh tươi như chưa hề trải
qua một mùa hạn.
Người dân Mỹ Thạnh cũng vậy, họ cũng không còn lạ lẫm gì khí hậu của vùng đất này và đang chờ một cơn mưa để tạm thời vượt qua cái khô khốc đỉnh điểm của mùa hạn năm nay. Tuy nhiên, nếu chỉ mãi dựa vào tự nhiên, không biết đời sống của bà con nơi đây sẽ ra sao. Có lẽ, họ vẫn tiếp tục những vụ mùa nông nghiệp bấp bênh vì thiếu nước, tiếp tục những chuyến hành trình vào sâu trong rừng để xắn măng hoặc đào nước sống qua mùa hạn. Hình ảnh ấy, những ai chưa từng trải qua mùa hạn ở đây, khó có thể mà hình dung ra được./.
Hữu
Tri