Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp kiểm tra tình hình thực hiện công tác bồi thường Nhà nước tại Bình Thuận
(binhthuan.gov.vn) Sáng
10/9, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp do ông Lê Thái Phương - Phó Cục
trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn có buổi làm việc tại
tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa
bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư
pháp; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng
Văn Đào - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường
Nhà nước năm 2017 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi
hành Luật trên địa bàn tỉnh, giao Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành, UBND cấp
huyện ban hành văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện công tác bồi thường Nhà
nước tại cơ quan, đơn vị mình. Hiện nay, toàn tỉnh có 43 công chức làm đầu mối
thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện;
riêng tại Sở Tư pháp giao Phòng Nghiệp vụ 2 (tham mưu quản lý lĩnh vực hành
chính tư pháp và bổ trợ tư pháp) để tham mưu thực hiện công tác này. Triển khai
thực hiện công tác bồi thường nhà nước, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các
sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa Luật Trách
nhiệm bồi thường Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức
và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, góp phần nâng cao
trách nhiệm công vụ và thực hiện có hiệu quả pháp luật về bồi thường Nhà nước.
Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch của
UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp tại các địa
phương; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương
trong việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Thời
gian qua, tỉnh Bình Thuận không có đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
trong công tác bồi thường Nhà nước. Số vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường của
Nhà nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng và được giải quyết
thông qua hình thức khởi kiện theo thủ tục tố tụng tại tòa án.
Tại buổi làm việc, các sở
ngành liên quan của tỉnh và Đoàn công tác đã trao đổi cụ thể về các vụ việc
đang giải quyết bồi thường, các vụ việc có khả năng phát sinh trách nhiệm bồi
thường trên địa bàn tỉnh; đồng thời thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong
quá trình thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu kết luận, ông Lê Thái
Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết, việc kiểm tra liên
ngành nhằm nắm bắt, trao đổi công tác tổ chức, thi hành các quy định của pháp
luật về công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, tiếp nhận kiến
nghị, đề xuất, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi
thường Nhà nước mà chưa được pháp luật điều chỉnh.
Đánh giá cao kết quả thực hiện
công tác quản lý Nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của tỉnh Bình
Thuận trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Lê Thái
Phương đề nghị Bình Thuận tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các cơ quan
liên ngành Trung ương và của tỉnh về công tác bồi thường của Nhà nước. Tiếp tục
duy trì phương châm phòng ngừa; phân công thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường
của Nhà nước cho các sở, ngành theo hướng ổn định, tránh tình trạng thay đổi
thường xuyên. Cùng với đó, chủ động dự báo tình hình yêu cầu bồi thường; nghiên
cứu đánh giá nội dung công tác bồi thường của Nhà nước, từ đó đưa ra đề xuất sửa
đổi cho phù hợp thực tiễn; ngoài ra cần thực hiện nghiêm quy định bảo vệ bí mật
Nhà nước trong thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước; tăng cường công tác
phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác
bồi thường Nhà nước tại địa phương.
Trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị
của các đại biểu tham dự, Đoàn kiểm tra cũng đã có ý kiến trong phạm vi thẩm
quyền và tổng hợp để nghiên cứu, tham mưu giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả
công tác bồi thường ở tỉnh Bình Thuận nói riêng và trên cả nước nói chung trong
thời gian tới.
TT Dân