Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024
(binhthuan.gov.vn)
Chiều tối 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với trưởng
các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh
tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp
trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị
tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; đại diện lãnh
đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại Hội
nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh tình hình
kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế
đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản,
trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong đó, việc thể
chế hóa và tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được triển khai kịp thời, bài bản
hơn. Công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới;
tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, ngoại
giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận
lợi cho phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần
60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay với nhiều cam kết, thỏa
thuận hợp tác kinh tế được ký kết. Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở
rộng; các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng
cố, nâng tầm; từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan
hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản,
Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn,
ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số. Ngoại giao kinh tế cũng đóng góp trực
tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh
tế quốc tế. Tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại,
thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường
cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp…
Tại hội nghị, Trưởng
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trình bày nhiều tham luận về công tác
ngoại giao kinh tế thời gian qua, những khó khăn, thách thức, vướng mắc, đồng
thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp để
tăng cường hiệu quả hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới. Đại diện
các hiệp hội, doanh nghiệp cũng trình bày tâm tư, nguyện vọng để tăng cường hợp
tác, trao đổi thông tin với các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, qua đó
nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại.

Phát biểu kết luận,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các bộ ngành Trung ương, các cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 3 phát huy: Phát
huy thế và lực của đất nước để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài;
phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế,
ngoại giao văn hóa kết hợp với giao lưu Nhân dân, phát triển du lịch; phát huy
tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng
hóa thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu
quả khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong bối cảnh hiện nay…
Song song với đó là thực hiện 3 cùng: Cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm
nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, trên
tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Trên tinh thần đó,
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần
tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp đến đối tác quốc tế về tinh thần cầu
thị, lắng nghe của Đảng, Nhà nước, của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp
của nước ta với các đối tác nước ngoài. Đôn đốc triển khai thực hiện các thỏa
thuận đã cam kết, ký kết trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của
Ban Bí thư và Nghị quyết số 21 của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm
quyền giải quyết những vấn đề còn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Tăng cường củng
cố quan hệ thương mại, đầu tư đối với các thị trường lớn, chủ chốt; đa dạng hóa
thị trường; chú trọng các thị trường tiềm năng như UAE, Trung Đông, Châu Phi...
Tạo đột phá trong thu hút đầu tư ở lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch;
thúc đẩy và đón tiếp chu đáo các đoàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài
vào Việt Nam. Nâng cao tính nhạy bén, kịp thời trong nghiên cứu, tham mưu chiến
lược; nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế -
xã hội.
TT Dân