Các địa phương tập trung huy động lực lượng triển khai biện pháp nhằm giảm dịch tả lợn châu Phi
(binhthuan.gov.vn)
Ngày 5/6/2019, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại
xã Đức Chính, huyện Đức Linh. Đến ngày 3/11/2019, dịch bệnh đã lây lan ra 47
xã, phường, thị trấn/ 6 huyện, thị xã, thành phố, đã tiến hành tiêu hủy 40.134
con/1.996 hộ, trọng lượng tiêu hủy 2.530.921 kg. Các địa phương trong tỉnh đã
và đang huy động lực lượng triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm dịch
tả lợn châu Phi.
Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, để chủ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi, các địa
phương trên toàn tỉnh đã thực hiện khoanh vùng, khống chế xử lý ổ dịch, tiêu hủy
lợn chết do nhiễm vi rút bệnh, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng vùng
dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm, môi trường chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển lợn ra
vào ổ dịch, giám sát dịch bệnh tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm. Các
đơn vị chức năng cũng kiểm soát các phương tiện giao thông và người dân từ các
tỉnh đã và đang có dịch mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế
biến vào địa bàn tỉnh Bình Thuận...
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát cho các địa
phương và 02 chốt kiểm dịch tạm thời của tỉnh 5.500 lít thuốc sát trùng; 5 tấn
vôi và 390 bộ đồ bảo hộ. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã tiếp nhận
và giao cho các địa phương, Trung tâm Giống nông nghiệp 15.000 lít thuốc sát
trùng Benkocid do Trung ương hỗ trợ để các địa phương thực hiện tổng vệ sinh
tiêu độc khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây nhiễm. Các địa phương cũng đã
thành lập các Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, hướng dẫn tất cả các cơ sở giết
mổ lợn trên địa bàn, nhất là hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, khử trùng, thực
hiện đúng theo nguyên tắc “5 không”; yêu cầu các chủ cơ sở phải khai báo số lượng,
nguồn gốc lợn xuất, nhập, đồng thời khi có lợn về phải báo cho UBND các xã, phường
để tiến hành kiểm tra nguồn gốc, khử trùng xe vận chuyển, toàn bộ đàn lợn trước
khi nhập vào cơ sở chờ giết mổ theo quy định.
Tại thành phố Phan Thiết hiện có khoảng 361
hộ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ, lẻ theo hộ gia đình với số lượng là khoảng 7,2
nghìn con lợn. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thành phố và UBND các phường,
xã đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống dịch tả lợn
châu Phi. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố có 04 phường, xã gồm: Tiến Lợi,
Phong Nẫm, Thiện Ngiệp, Phú Tài có dịch. Từ ngày 08/7/2019 đến nay, thành phố
Phan Thiết đã tổ chức tiêu hủy số lượng lợn đã chết là 492 con với tổng trọng
lượng là 27.031 kg tại 12 hộ có chăn nuôi lợn trên địa bàn 04 phường, xã.
Theo ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch
UBND thành phố Phan Thiết, một trong những nguyên nhân gây dịch tả lợn châu Phi
xuất hiện trên địa bàn là do Phan Thiết nằm trên trục đường chính Quốc Lộ 1A,
hàng ngày có các xe vận chuyển chở lợn qua lại, khả năng bị ảnh hưởng một phần
do chất thải của lợn, những xe vận chuyển lợn vùng bị dịch nhưng chưa vệ sinh,
khử trùng sạch khi chở lợn đi tiêu thụ, mang theo vi rút… Bên cạnh đó, qua theo
dõi trên những hộ có nuôi heo bị dịch tả lợn phần lớn người dân sử dụng thức ăn
thừa lấy từ các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn về cho lợn ăn
nhưng chưa qua nấu chín.
Trong khi đó, tại huyện Hàm Tân, mặc dù vẫn
xảy ra nhưng dịch bệnh tả lợn châu Phi chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên địa bàn huyện
không diễn ra trên diện rộng, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy rất thấp so với
tổng đàn lợn của huyện (khoảng 0,32%). Huyện Hàm Tân hiện có tổng đàn lợn
80.975 con. Số trang trại chăn nuôi lợn tập trung có 29 trang trại/ 72.409 con.
Số lượng lợn chăn nuôi nhỏ lẻ 8.566 con, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 261 hộ, tập
trung nuôi nhiều ở các xã: Tân Hà, Tân Xuân, Tân Thắng. Toàn huyện có 14 cơ sở
giết mổ lợn nhỏ lẻ, quy mô giết mổ từ 02 - 05 con/ ngày.
Ông Văn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Hàm
Tân cho biết: Do tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp nên công tác
phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy cơ bản đạt được kết quả theo kế hoạch
đề ra. Đến đầu tháng 8/2019, trên địa bàn huyện mới phát sinh ổ dịch đầu tiên,
tuy nhiên dịch bệnh tả lợn châu Phi chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên địa bàn huyện
không diễn ra trên diện rộng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hàm Tân có 07/10
xã thị trấn xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, 18 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, với 253
con, trong đó lợn nái 34 con, lợn thịt 137 con và lợn con 82 con, tổng trọng lượng
9.758 kg.
Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, đến thời điểm hiện tại bệnh dịch tả lợn châu Phi trên
địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm; bệnh chỉ còn xuất hiện
rải rác tại những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận
thức phòng chống dịch của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ và mua bán lợn và sản
phẩm thịt lợn có chuyển biến và nâng cao so với trước. Tính đến ngày 3/11/2019,
trên địa bàn tỉnh có 28 xã, phường, thị trấn/ 6 huyện, thị xã, thành phố còn ổ
dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Hiện các huyện chưa phát sinh
dịch gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Phú Quý.
Kiểm soát chặt
các xe vận chuyển lợn ra, vào địa bàn tỉnh
Thực tế cho thấy, để hạn chế và tiến tới chấm
dứt tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh trước hơn hết
cần phải nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi để chủ động và nắm chắc các biện
pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi là yếu tố quan trọng. Cùng với đó,
công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh bệnh dịch tả lợn châu Phi phải được triển
khai kịp thời, quyết liệt và áp dụng triệt để các biện pháp thì công tác phòng,
chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo
phụ trách địa bàn và xuống tận hộ chăn nuôi hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa
bàn; yêu cầu các cơ sở giết mổ thực hiện nghiêm túc các nội dung trong bản cam kết
đã ký, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhập lợn bất hợp pháp, không có nguồn
gốc rõ ràng vào những cơ sở để giết mổ vì đây là một trong những nguyên nhân
lây lan bệnh bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ
các biện pháp phòng, chống dịch đã được UBND tỉnh chỉ đạo và Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn; qua đó, rà soát các biện pháp đã thực hiện,
khâu nào còn yếu phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để hạn chế dịch bệnh lây
lan; trong đó, chú ý thực hiện tốt công tác vận động người dân chăn nuôi theo
hướng an toàn sinh học, thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc thường
xuyên, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh phòng dịch. Bám sát từng địa bàn, đến từng
hộ chăn nuôi để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; khi phát hiện bệnh phải xử lý
theo đúng quy trình đã được hướng dẫn. Đồng thời, quản lý tốt hoạt động của 94
cơ sở giết mổ tại địa phương đã được UBND tỉnh cho phép giết mổ đến hết năm
2019. Kiên quyết xử lý nghiêm các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ
sinh thú y để tránh lây lan dịch bệnh…
TT Dân