(binhthuan.gov.vn) Để
nâng cao giá trị của quả thanh long, trong thời gian qua UBND tỉnh đã triển
khai nhiều chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ
chế và chế biến thanh long; theo đó, đến nay toàn tỉnh có 106 cơ sở thu mua, sơ
chế và 16 cơ sở chế biến thanh long. Có 12 cơ thu mua, sơ chế, đóng gói thanh
long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO…
Các cơ sở chế biến thanh
long trên địa bàn tỉnh đã sản xuất ra các sản phẩm như thanh long sấy, nước ép,
rượu vang, kẹo, siro,... phần lớn được tiêu thụ nội địa với năng lực chế biến
khoảng 182.000 tấn/năm. Nhìn chung, các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn
tỉnh có quy mô nhỏ; công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao; bao bì, mẫu mã còn
đơn giản; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, phụ thuộc vào đơn đặt hàng của
khách hàng nên chưa hoạt động thường xuyên.
Bên cạnh đó, trong thời
gian qua tỉnh ta đã xây dựng, kết nối được 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ
thanh long với sản lượng kiểm soát 90.775 tấn/năm; trong đó, có 10 chuỗi thanh
long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 02 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến
với sản lượng 165 tấn/năm. Có 06 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
thanh long đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là dự án liên kết sản xuất thanh
long chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với quy mô 50 ha/03 Hợp tác xã
nông nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và các thành viên của
Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, với tổng số 87 hộ dân; dự án liên kết sản xuất
và tiêu thụ thanh long tại Hợp tác xã dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội quy mô
81,08 ha liên kết giữa 01 Hợp tác xã với 43 hộ dân; dự án liên kết cung ứng vật
tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm
thanh long của cơ sở thu mua thanh long Bối Trác với quy mô 30 ha liên kết giữa
01 doanh nghiệp với 10 hộ dân…
Hiện nay, quả thanh long
của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa chỉ
tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong đó, xuất
khẩu khoảng 2 - 3% là chính ngạch, còn lại 97 - 98% được mua bán theo hình thức
biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và
các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
Nhằm tìm kiếm thị trường ổn
định cho quả thanh long tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh long, trong thời
gian tới tỉnh ta sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình để các doanh nghiệp thanh
long Bình Thuận liên doanh, liên kết với các kênh phân phối trong nước phục vụ tiêu
thụ nội địa. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản
xuất thanh long đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập
khẩu; tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Nguyễn Phương