Bình Thuận: Tiềm năng phát triển du lịch “xanh”, gần gũi với thiên nhiên
(binhthuan.gov.vn) Với lợi thế về tài nguyên
du lịch, Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình, sản
phẩm du lịch khác nhau, như: Nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao
giải trí (lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, gofl…), du lịch hội nghị,
du lịch tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống… Đặc
biệt, Bình Thuận còn có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác… rất thích hợp để xây dựng
những tour du lịch “xanh” vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang tính độc đáo, hấp
dẫn cho du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Theo
đó, tại các địa bàn vùng cao của huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh
và huyện Hàm Thuận Bắc có rất nhiều điều kiện, yếu tố thích hợp cho việc phát
triển loại hình du lịch này. Nổi bật, như Hồ Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận
Bắc); Vườn hoa La Ngâu, Khu Du lịch La Ngâu Rock Stream, Khu Du lịch sinh thái
Thác Bà (huyện Tánh Linh)...
Thay
vì chọn lựa những điểm du lịch tại trung tâm thành phố, với tòa nhà cao tầng và
những căn phòng khách sạn dù tiện nghi nhưng lại thiếu không khí thiên nhiên,
cảnh vật nên thơ. Tại đây, du khách sẽ có được những khoảnh khắc hòa mình vào thiên
nhiên, khám phá bản sắc văn hóa vùng cao Bình Thuận; để tâm trí được rộng mở và
tâm hồn được thư thái.
Theo
chị Phan Thị Phong - Điều hành tour của Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông
Bình Thuận: Các điểm đến trên rất hấp dẫn, thú vị và sở hữu những nét riêng của
vùng cao Bình Thuận, hứa hẹn sẽ là những tour du lịch mới lạ, hấp dẫn để thu
hút đông đảo du khách khi đưa vào thiết kế và khai thác. Do đó, Công ty TNHH Du
lịch và Truyền thông sẽ nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến du lịch theo
hướng rừng - thác - hồ cho nhiều đối tượng khách, nhất là đối tượng học
sinh, sinh viên và các gia đình có trẻ nhỏ thích khám phá, tìm hiểu thiên
nhiên.
Ông
Nguyễn Linh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch
Bình Thuận cũng cho biết: Cùng với du lịch biển vẫn là thế mạnh của Bình Thuận,
để đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cảm giác mới lạ về du
lịch trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Trung tâm Thông tin
xúc tiến du lịch sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm đánh thức tiềm năng du
lịch “xanh”. Qua đó, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, mời gọi du khách
đến.
Ngày
nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến
và sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều khám phá thú vị. Vì vậy, xu
hướng du lịch sinh thái, du lịch “xanh” gắn với thiên nhiên đang trở nên thịnh
hành. Do vậy, không chỉ địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng mới
trong việc phát triển du lịch và phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho sản phẩm du
lịch mới một cách bền vững, các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển
thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn như cắm trại ngoài trời, tour khám phá thiên
nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch về rừng - hồ - thác, đánh thức tiềm năng du
lịch “xanh” đưa vào khai thác phục vụ du khách, tạo đà cho sự phát triển bền
vững và bảo vệ môi trường của ngành du lịch Bình Thuận…
Cùng
với đó, năm 2023, Bình Thuận là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc
gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” với hơn 200 sự kiện, hoạt động đặc
sắc, hấp dẫn có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra trong suốt năm
2023, thể hiện rõ quyết tâm, định hướng phát triển du lịch “xanh”, bền vững của
tỉnh.
Phạm Huệ