Đến năm 2030, hình thành 06 khu vực động lực để phát triển du lịch
(binhthuan.gov.vn) Phó
Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024
phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Quyết định, đến 2030, tập
trung hình thành 6 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực,
phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của
du lịch, gồm: Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng
Ninh - Ninh Bình. Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà
Tĩnh. Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên
Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm
Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận. Khu vực động lực phát triển du lịch Thành phố Hồ
Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ -
Kiên Giang - Cà Mau.
Trong đó, khu vực động lực phát
triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận sẽ tập trung thúc
đẩy phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và
Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên; đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở kết nối
giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hoá vùng đồng bằng với
không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
Du lịch nghỉ dưỡng biển tại Bình
Thuận thu hút đông đảo du khách
Về định hướng phát triển sản phẩm,
theo Quy hoạch, trong thời gian tới, sẽ tập trung khai thác tối ưu tài nguyên
du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với
các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển.
Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị
trường quốc tế. Phát huy giá trị văn hóa vùng, miền làm nền tảng xây dựng các sản
phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực…
Phát triển các sản phẩm du lịch gắn
với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải
Phòng, Cần Thơ; các đô thị đặc thù, như: Đô thị di sản Hội An (Quảng Nam), Huế
(Thừa Thiên Huế); các đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như: Sa Pa (Lào
Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết
(Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp
văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.
TT Dân