Đình làng Đức Nghĩa – độc đáo nét văn hóa, lịch sử của vùng đất Bình Thuận xưa
(binhthuan.gov.vn) Văn hóa truyền thống miền biển Bình
Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng luôn gắn liền với
các di tích đình làng, dinh vạn. Nếu dinh vạn là nơi thờ
Thần Nam Hải phò trợ nghề biển, thì đình làng là nơi
thờ tự Thần hoàng và những vị Tiền hiền, Hậu hiền
có công dựng làng, lập ấp. Đình làng Đức Nghĩa là
một di tích như thế.
Lịch sử hình thành của đình làng Đức Nghĩa gắn chặt
với lịch sử hình thành của vùng đất Phan Thiết. Thời
xa xưa, địa hình Đức Nghĩa là một động cát cao nằm
ven sông Phan Thiết, dọc bờ sông là những đám cây mọc
dày đặc. Theo một số tài liệu, vào những năm đầu
thế kỷ 19, những ngư dân Quảng Nam đã đến đây lập
nghiệp, dần dần tập họp được 20 hộ với hơn 100
người, hình thành một vùng tụ cư có tên là thôn Thành
Đức. Tại đây, ông Nguyễn Văn Bàn chủ trì việc xây
cất đình làng vào năm Bính Ngọ (tức năm 1846) bằng
tranh lá đơn sơ. Đến năm 1864, do yếu tố phong thủy nên
ông Trần Văn Kim vận động dân làng dời đình về vị
trí hiện nay thuộc khu phố 6, phường Đức Nghĩa.

Đình làng Đức Nghĩa nhìn từ trên cao
Đình làng Đức Nghĩa có dạng hình chữ Đinh (丁)
theo lối kiến trúc dân gian thế kỷ 18 -19. Đình có khuôn
viên rộng hơn 3.000m2,
tọa lạc trên một đồi cát cao thường được gọi là
động cát làng Thiềng (tên gọi trại của làng Thành
Đức). Hướng đình quay về phía Tây, lệch Bắc 15 độ,
đây cũng là hướng nhìn ra sông Cà Ty. Phía trước đình
xây tường đá cao 3,5m để chống cát lở đồng thời
tôn cao ngôi đình. Trước kia, mặt trước của đình là
một hồ sen lớn, tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, hồ
sen này đã không còn.
Gian thờ Tiền hiền - Hậu hiền được xây dựng vào
năm 1879 với hai con Nghê đứng trước lối vào canh gác
Đối diện với đình, từ trái sang phải là nhà Tiền
vãng, gian thờ Tiền hiền - Hậu hiền, đình thờ Thành
hoàng. Các gian thờ được bố trí thành hàng ngang và có
lối kiến trúc như đình chính nhưng chiều dài có phần
kéo ra hơn, đây cũng là đặc trưng của kiến trúc đình
làng nửa sau thế kỷ 19 ở Bình Thuận. Nối liền đình
thờ Thành hoàng về phía trước là Nhà Võ ca, nơi được
sử dụng để tổ chức diễn tuồng khi cúng tế, cũng
như hội họp việc làng.

Khu vực đình chính thờ Thành hoàng
Tiền Hiền của làng đang thờ tại đình gồm các ông:
Nguyễn Văn Bàn, Trần Văn Kim, Lê Văn Hanh, Nguyễn Văn
Thạnh. Đây là những người đại diện cho các họ có
công khai khẩn lập làng, dựng đình mà tên tuổi của họ
đã được dân làng trân trọng khắc ghi trong bài vị thờ
ở đình.
Trong khuôn viên đình làng Đức Nghĩa có hai ngôi mộ của
hai bậc Tiền hiền là Nguyễn Văn Bàn và Hậu hiền
Nguyễn Văn. Hai ngôi mộ này trước đây ở chùa Ngọc
Cát (tên gọi khác là chùa Cốc). Ngoài các gian thờ còn
có miếu thờ Sơn Quân. Cũng cần phải nói thêm rằng,
làng Thành Đức nơi đặt đình ngày xưa xung quanh cây cối
bụi bờ, cụm rừng trên động cát rậm rạp. Thỉnh
thoảng cọp bên Văn Thánh, Phú Tài lội sông qua để kiếm
mồi khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đe
dọa, chính vì thế người dân đã lập miếu thờ “Ông
Hổ” bên cạnh miếu thờ Thành hoàng.

Miếu thờ Sơn Quân tại đình làng Đức Nghĩa
Theo tín ngưỡng, việc người dân thờ Sơn Quân để phù
hộ và tạo niềm tin cho người đi khai hoang, lập ấp.
Dân gian cho rằng, ngày xưa không làng nào dám cử chức
Hương cả là chức vụ đứng đầu làng. Chức vụ này
phải nhường cho Sơn Quân, còn con người chỉ làm chức
vụ thứ nhì là Hương chủ. Mỗi năm, khi cúng miễu,
đình, dân làng có bài sớ/tờ cử với nội dung biết ơn
Sơn Quân và suy cử làm Hương cả. Đồ cúng gồm đầu
heo để trên bàn thờ. Trong đêm hoặc lúc không ai ngờ,
Sơn Quân nhận tờ suy cử mới cùng đầu heo và để lại
tờ cử năm trước.

Kiến trúc mái đình
Toàn bộ mái đình đều lợp ngói âm dương, nền lát
gạch Bát Tràng. Tường được xây bằng đá, vôi vữa
vững chắc. Kỹ thuật chạm trổ cũng như các họa tiết
trang trí ngoại thất, nội thất thể hiện một cách sắc
sảo, mềm mại. Từ lúc tạo dựng cho đến nay, đình
làng Đức Nghĩa đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng toàn
bộ công trình vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn những đường
nét cổ kính vốn có giữa một không gian đô thị hiện
đại.

Ông Trần Ngọc Thành, Phó Ban quản lý di tích, kiêm
Trưởng Ban nghi lễ của đình làng Đức Nghĩa
Theo ông Trần Ngọc Thành, Phó Ban quản lý di tích, kiêm
Trưởng Ban nghi lễ của đình làng Đức Nghĩa cho biết:
“Ban đầu, đình được xây dựng bằng tre nứa, lá. Sau
đó, được kiên cố hóa bằng gạch, vôi, vữa xi măng,
mái ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng”.

Bàn thờ Thành hoàng trong Đình làng Đức Nghĩa
Nội thất của đình làng Đức Nghĩa khá ấn tượng,
nhất là ở phần trang trí nghệ thuật chạm khắc bên
trong đình chính với hệ thống bao lam bằng gỗ, như bức
rèm như xuống các khám thờ sống động bởi những dây
leo, hoa lá, chim muông từ những chạm khắc của người
thợ xưa. Nghệ thuật trang trí của đình cả ngoại thất
và nội thất phối hợp với nhau tạo nên những đường
nét kiến trúc cổ hài hoà và đạt đến đỉnh cao so với
một số ngôi đình trong thời kỳ này.

Khu vực nhà Võ ca
Sự tinh xảo còn được thể hiện rõ trong nội thất của
nhà Võ ca, các vì kèo trong khu vực này được chạm khắc,
gờ chỉ 06 cạnh mềm mại. Con đội được tạo dáng với
phần thân hình quả bầu, đặt trên chân đế có hình
con chim đang tung cánh, thân đế khắc các vân xoắn nổi
lên như những bông hoa đang nở. Nối với hai con đội là
thanh xà gồ với dòng chữ “Tự Đức Giáp Tý mạnh hạ
cốc đán tạo”.

Thanh xà gồ trong nhà Võ ca
“Theo dòng chữ khắc trên thanh xà gồ nhà Võ ca ‘Tự
Đức Giáp Tý mạnh hạ cốc đán tạo’, có nghĩa là tạo
lập vào mùa hè năm Tự Đức thứ 17 - Giáp Tý 1864. Nhà
Võ ca chính là công trình được xây dựng sớm nhất của
đình làng Đức Nghĩa”, ông Thành chỉ lên thanh xà gồ
trong nhà Võ ca và nói.

Bản sao các sắc phong được trưng bày trong khu nhà
Tiền vãng
Ngoài những kiến trúc, cổ vật lưu giữ hàng trăm năm.
Đình làng Đức Nghĩa còn lưu giữ các văn tự vô giá cả
về ý nghĩa vật chất và tinh thần, đó là các sắc
phong (văn bản do nhà Vua ban cho các địa phương, dòng họ,
quan chức, Thành hoàng,… nhằm lấy đó làm căn cứ để
thờ cúng các vị thần linh và nhân vật được tôn vinh)
của các đời vua Triều Nguyễn ban tặng cho Thành hoàng
cùng các vị khác.

Kiến trúc bên trong gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền –
Đây cũng là nơi lưu giữ và thờ cúng bản gốc các sắc
phong được nhà Vua ban
Nói về các sắc phong này, ông Thành thông tin: “Đình
làng khi tạo dựng đã được các vua triều Nguyễn sắc
phong Thành hoàng cho 03 người. 01 người Việt là ngài Văn
Khánh Hầu Thành hoàng tôn thần, 02 vị kia là Nhân thần
(người có công lao to lớn với dân với nước, sau khi
chết họ được phong làm thần cai quản các vùng đất
và được dân chúng lập đền thờ) của người Chăm là
Cẩn Ma La Thành hoàng tôn thần và Ma Yết Hầu Thành hoàng
tôn thần”.
“Các đời vua Nguyễn từ thời vua Tự Đức đến vua
Khải Định đã phong 17 sắc thần cho các vị giúp dân an
cư lạc nghiệp. Trong đó, có Thành hoàng làng, Sơn thần,
Thủy thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Ma Yết Hầu Thành
hoàng”, ông Thành cho biết thêm.
Sự xuất hiện của các vị Nhân thần người Chăm trong
đình làng Đức Nghĩa cho thấy quá trình giao lưu và tiếp
biến văn hóa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm trên mảnh
đất Bình Thuận. Đây còn là minh chứng cho thấy cộng
đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận
qua nhiều thế kỷ và cùng với các dân tộc anh em khác
trên vùng đất này đóng góp xây dựng, làm phong phú thêm
nền văn hóa của Bình Thuận nói riêng và của Việt Nam
nói chung.

Đình làng Đức Nghĩa còn là cơ sở Việt Minh thời kháng
Pháp. Năm 1991, đình được Bộ Văn hóa Thông tin công
nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia./.
Hữu Tri