(binhthuan.gov.vn) Trong 02 ngày (từ
ngày 7- 8/9), Đoàn Famtrip quốc tế đã đến khảo sát và trải nghiệm các sản phẩm,
dịch vụ du lịch mới tại Bình Thuận.
Theo đó, Đoàn khảo sát khoảng 30 buyer (người mua) đến
từ các hãng lữ hành quốc tế, công ty du lịch, báo chí đến từ các quốc gia như:
Trung Quốc, Singapore, Đức, Úc… đã đến tham quan và khảo sát một số điểm du
lịch nổi tiếng của địa phương như: Bàu Trắng, Bảo tàng nước mắm, Hệ sinh thái
vui chơi giải trí Nova world Phan Thiết… Bên cạnh đó, Đoàn đã trực tiếp trải
nghiệm, tìm hiểu các sản phẩm du lịch mới, dịch vụ lưu trú, buồng phòng, ẩm
thực tại một số khách sạn, cơ sở lưu trú tại khu vực Hàm Tiến- Mũi Né và Tiến
Thành, thành phố Phan Thiết.
Theo ông Jurgen Manfred Grotzinger - Đại diện Đoàn
Famtrip chia sẻ: Qua khảo sát thực địa các điểm đến, chúng tôi đánh giá cao tài
nguyên, tiềm năng thiên nhiên cũng như các dịch vụ du lịch, nền văn hóa, ẩm
thực và con người Bình Thuận.
Chuyến khảo sát lần này là cơ hội để ngành du lịch Bình
Thuận đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, thế mạnh; quảng bá
tiềm năng, hình ảnh “Điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện, chất lượng”. Ngoài
ra, đây cũng là “cầu nối” để những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên
địa bàn được giao lưu, kết nối với “người mua;” từ đó, nắm bắt xu hướng, thị
hiếu, xây dựng nhiều tour, tuyến, sản phẩm mới, khai thác thêm nhiều thị trường
tiềm năng trong tương lai.
Dip này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận
đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nghiệp địa phương với đoàn khảo sát.
Tại đây, bà Nguyễn Lan Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch cho biết: Với mục tiêu
phát triển du lịch xanh và bền vững, Bình Thuận nỗ lực xây dựng một thương hiệu
Du lịch gắn liền với những sự kiện đặc trưng riêng dựa trên thế mạnh về biển và
những lợi thế nổi trội của mình là nắng, gió, cát, thiên nhiên trong lành và
nhất là con người hiền hòa, hiếu khách…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cạnh tranh trong lĩnh
vực du lịch cũng ngày càng gia tăng, Bình Thuận đã và đang làm
hết sức mình để tiếp tục huy động mọi
nguồn lực, khai thác tối đa tài nguyên, lợi thế về du lịch, tăng cường đầu tư
kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tạo hình ảnh sâu đậm về Du lịch
Bình Thuận với những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, là điểm đến thật sự an
toàn, thân thiện, chất lượng và có đủ sức cạnh tranh trong thị trường du lịch
trong khu vực và quốc tế.
Với 192 km đường bờ biển và
đảo Phú Quý, Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú và quý giá,
với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ
sinh thái biển đa dạng… Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nhiều tài nguyên du lịch
vùng rừng, núi, nhiều di tích lịch sử- văn hoá cùng nhiều lễ hội văn hoá truyền
thống đặc sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển đa dạng các
loại hình du lịch nhất là du lịch sinh thái biển.
Ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghĩ
dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch sức khỏe, thể thao địa hình…
Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”,
gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ
môi trường; bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham
quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống…
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bình Thuận hiện tỉnh có 644 cơ sở lưu trú du
lịch với tổng số hơn 20 nghìn phòng. Toàn tỉnh có 33 công ty lữ hành, trong đó
có 15 đơn vị phục vụ lữ hành quốc tế tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Từ đầu năm 2024 đến nay,
hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra khá sôi nổi. Trong 8 tháng của năm 2024, tỉnh đón
khoảng trên 6,4 triệu lượt khách, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch
ước đạt hơn 16.200 tỷ đồng. Nổi bật, lượng khách quốc tế đến Bình Thuận tăng
trưởng mạnh. Toàn tỉnh đón gần 300 nghìn lượt khách quốc tế đến từ hơn 40 quốc
gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh và Mỹ (tăng 53% so với cùng kỳ năm trước).
Hiện nay các tuyến giao thông kết nối giữa Bình Thuận
và các địa phương di chuyển khá thuận lợi; Cảng hàng không Phan Thiết đang
triển khai xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2025, kết nối giao
thống đến các điểm tham quan du lịch… là các điều kiện để du khách đến địa
phương được nhanh chóng và dễ dàng hơn; đưa du lịch Bình Thuận cất cánh./.
Phạm Huệ