(binhthuan) Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh chú trọng công tác quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Bình Thuận luôn tăng cường thu hút các dự án du lịch dịch vụ quy mô lớn, có tính dẫn dắt, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững.
Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đòn bẩy quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh
Du lịch là một trong ba trụ cột mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cần tập trung phát triển bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch của tỉnh, làm điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận đã tích cực đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo đó, tỉnh đã mời đơn vị tư vấn McKinsey khảo sát và xây dựng Đề án định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 24/8/2020, Khu du lịch quốc gia Mũi Né được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia. Đây chính là đòn bẩy, động lực quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh. Hiện, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và có tiềm lực tài chính như Tập đoàn: Novaland, Apec Mendala, TTC, Hưng Thịnh… Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông, môi trường… được ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch để đến năm 2030.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Bình Thuận đã dần hồi phục và có bước chuyển biến tiến bộ. Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan các khu, điểm du lịch ven biển, du lịch tín ngưỡng thông qua các lễ hội truyền thống đã thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách nội địa trong dịp hè, lễ, Tết và cuối tuần; du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch cộng đồng được phát huy tốt, đã thu hút khá đông du khách, nhất là tại địa bàn thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tuy Phong và huyện Phú Quý.
Đến nay, một số dự án du lịch dịch vụ quy mô lớn đã triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động như, khu vực phía Nam Phan Thiết có các công trình đi vào hoạt động như: Khách sạn Movenpick, khu vui chơi giải trí Circusland, khu công viên nước và một số biệt thự nghỉ dưỡng đã làm thay đổi hạ tầng tại khu vực; tại khu vực phía Bắc Phan Thiết cũng có những dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Centara Mirage Resort Muine, The Annam Muine…, đưa vào hoạt động góp phần thúc đẩy du lịch Bình Thuận ngày một phát triển. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 414 dự án du lịch, dịch vụ du lịch với tổng nguồn vốn huy động từ xã hội là 1.331.339 tỷ đồng.
Kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết
Mặc dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ngành Du lịch Bình Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế khi việc thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa mạnh. Tình hình triển khai các dự án du lịch tại một số khu vực còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Đến thời điểm này, trong số 414 dự án du lịch, dịch vụ du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì có 228 dự án đã hoạt động kinh doanh ổn định (chiếm trên 55%), 93 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 22,5%), còn lại là các dự án chậm hoặc chưa triển khai.
Theo ông Lê Ngọc Tiến, việc chậm triển khai của các dự án, ngoài nguyên nhân từ phía nhà đầu tư thì còn nhiều nguyên nhân từ công tác quản lý Nhà nước. Trong đó, công tác phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều vướng mắc, mất nhiều thời gian, nhất là việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng, lâm nghiệp,...; một số địa phương chưa tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, mặt khác chính sách giá đền bù thay đổi, nhà đầu tư và người dân không thỏa thuận được giá đền bù, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai dự án...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh kiểm tra các dự án du lịch chậm triển khai và đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các dự án du lịch
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo quy định mà không có lý do chính đáng, cụ thể đối với những chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, không tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa hoặc triển khai xây dựng cầm chừng mang tính chất đối phó…
Ngoài ra, định kỳ, hàng tháng, quý, UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp nghe các sở, địa phương, chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án, qua đó đã thu hồi các dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư ở từng địa phương để nghe báo cáo, chỉ đạo các sở, địa phương để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ, nhằm sớm đưa các dự án vào triển khai kinh doanh, đảm bảo cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đề nghị các ngành các cấp tập trung thu hút đầu tư, quản lý phát triển ngành theo quy hoạch, kế hoạch; chú ý kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có tiếng tăm, tâm huyết để triển khai các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận... Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, trong đó mở rộng hệ thống giao thông đồng bộ và kết nối đến các khu, các điểm trọng tâm trên địa bàn để tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ mới, các khu du lịch tổng hợp, trung tâm mua sắm, du lịch giải trí quy mô lớn, nhằm thu hút du khách...
TT Dân