Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chăn nuôi
Lượt xem: 596

 

(binhthuan.govvn) Ngày 30/8, tại huyện Hàm Thuận Bắc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ các tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024. Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và một số Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Trong đó, phải kế đến các mô hình, như: Mô hình thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đa Mi, mô hình trồng thâm canh gừng tại xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình trồng thâm canh cây đinh lăng theo liên kết chuỗi tại xã Hàm Hiệp, mô hình trồng thâm canh cây gừng theo liên kết chuỗi tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình canh tác sản xuất cây thanh long theo hướng hữu cơ tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam; các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP - Cánh đồng không dấu chân tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh; các mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh.

 

Về chăn nuôi, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện các mô hình, như: Mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản tại xã Mương Mán và xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam; mô hình chăn nuôi tuần hoàn - Mô hình trồng bắp sinh khối, cỏ nuôi bò tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình; mô hình chăn nuôi dê thương phẩm, ủ thức ăn từ phụ phẩm cây táo tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi cá lăng lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Tân Hà, huyện Đức Linh; mô hình nuôi vẹm xanh theo hình thức dây treo đáy tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam…

 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp; thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ khuyến nông cộng đồng gắn với việc đẩy mạnh số hoá trong đào tạo, ghi chép nhật ký điện tử trong quá trình sản xuất thanh long VietGAP, lúa chất lượng cao… và bước đầu đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

 

Nhờ việc triển khai thực hiện các mô hình trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trên mà người dân các địa phương đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, do đó năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đồng thời, thông qua việc thực hiện các mô hình đã giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

 

 

Đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc họp

 

Tại cộc họp, các đại biểu đã cùng nhau phân tích những tồn tại, hạn chế cũng như các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tập trung thảo luận tìm giải pháp tốt nhất để sử dụng nguồn ngân sách có hạn nhưng tối đa hoá lợi ích các mục tiêu khi bố trí thực hiện mô hình bảo đảm phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới.

 

 

Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh phát biểu tại cuộc họp

 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khuyến nông tỉnh cho rằng, có được những kết quả nêu trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ miền núi của các huyện, thị xã, thành phố và sự đồng hành của các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thái Sơn hệ thống khuyến nông của tỉnh trong thời gian qua vẫn tồn tại không ít những trở ngại, khó khăn, như: Vấn đề số hoá nhật ký điện tử trong quá trình sản sản xuất và chăn nuôi, giảm lượng giống trong gieo sạ, áp dụng sạ cụm…

 

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục là cầu nối giữa các Hợp tác xã, doanh nghiệp với Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ miền núi của các huyện, thị xã, thành phố, bà con nông dân để thực hiện nhiều hơn nữa các mô hình trong sản xuất, chăn nuôi với mục tiêu chuyển từ mô hình “Khuyến nông hỗ trợ” sang “Khuyến nông kết nối”, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chương trình khuyến nông, khuyến ngư năm 2024; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP và tập huấn áp dụng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; tăng cường, đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát chứng nhận thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh công tác số hoá trong sản xuất, tăng cường công tác chuyển giao cho số nông hộ áp dụng khai báo nhật ký sản xuất trên ứng dụng “Nông nghiệp số Bình Thuận”, nhất là lĩnh vực trồng trọt.

 

Nguyễn Phương

 

 

 

 

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1