Thực tiển về hành vi vi phạm hành chính trong việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ
Qua thực tiễn thi hành Luật Nghĩa vụ
quân sự năm 2015 về việc xử lý các hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức
khỏe nghĩa vụ quân sự (NVQS), không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ có nhiều quan
điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật. Trước hết, xét về nguyên tắc xử lý
vi phạm hành chính (VPHC) theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012
(được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật XLVPHC
quy định “VPHC là hành vi có lỗi
do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà
nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt
VPHC”. Qua đó cho thấy, hành vi VPHC bao gồm 04 dấu hiệu cơ bản: Thứ nhất là gây nguy hiểm cho xã
hội; thứ hai là trái
pháp luật hành chính; thứ ba
là có lỗi vô ý hoặc cố ý của chủ thể VPHC; thứ tư chủ thể VPHC là cá nhân,
tổ chức có năng lực trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1
Điều 3 Luật XLVPHC về nguyên tắc xử lý VPHC quy định “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp
thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc
phục theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, khi xác định có hành vi
VPHC được quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC
trong lĩnh vực quản lý nhà nước, người có thẩm quyền phải kịp thời tiến hành xử
lý. Bên cạnh đó, Luật NVQS quy định việc thực hiện lệnh gọi nhập ngũ và lệnh
gọi khám sức khỏe như sau: Khoản 6 Điều 34 Luật NVQS về thẩm quyền quyết định
việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy
định: “Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân
sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra
lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi
nhập ngũ, gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải được giao cho
công dân trước thời gian ghi trong lệnh 15 ngày”.
Trong
trường hợp thanh niên không chấp hành thì có bị xem là vi phạm và bị xử phạt
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng hay không. Khoản 2 Điều 40 Luật NVQS về khám sức khỏe cho công dân gọi
nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định: “Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện
ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ; Trưởng Công an
cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi thực hiện nghĩa
vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công
dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày”. Như vậy, lệnh gọi nhập
ngũ và lệnh gọi khám sức khỏe đều được quy định “phải được giao cho
công dân”, tuy Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ
việc “giao” phải thực hiện như thế nào, nhưng có thể hiểu là giao
trực tiếp cho thanh niên hoặc giao qua đường bưu điện, giao về nơi thường
trú của công dân… để thanh niên đó biết mình có nghĩa vụ phải thực hiện việc
nhập ngũ hoặc khám sức khỏe.
Trong thực tế, khi Hội đồng NVQS cấp
xã tiến hành giao lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe cho
thanh niên, trường hợp thanh niên không có mặt tại địa phương, thông thường
lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe sẽ được giao cho gia đình
(qua ông, bà, cha, mẹ, người thân…) với mục đích để gia đình thông báo cho
thanh niên biết, chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, trường hợp thanh niên không chấp hành thì có bị xem là vi phạm và bị
xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng hay không? Đây là
vấn đề còn có nhiều quan điểm khác biệt, tóm lại có 2 quan điểm sau:
- Quan điểm thứ nhất, quy định lệnh
gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ “phải được giao cho công dân”
được hiểu là phải giao trực tiếp hoặc giao cho người khác nhưng thanh niên đó
phải biết. Khi đó, việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi
nhập ngũ là cơ sở để tiến hành xử phạt VPHC.
- Quan điểm thứ hai, khi thanh niên
vắng mặt tại địa phương, Hội đồng NVQS cấp xã giao lệnh gọi khám sức khỏe hoặc
lệnh gọi nhập ngũ cho gia đình theo quy định “phải được giao cho công dân”
để gia đình thông báo và chuyển cho thanh niên. Trường hợp gia đình cho rằng
không có thông tin về nơi cư trú, công tác hoặc không thể liên lạc được với
thanh niên (có trường hợp gia đình biết thanh niên đang ở đâu nhưng không muốn
cho con em mình thực hiện NVQS). Và Hội đồng NVQS cấp xã không có cơ sở để
chứng minh thanh niên đó biết mình đã có lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh
gọi nhập ngũ mà không chấp hành. Vì vậy, sẽ không có cơ sở để xử phạt VPHC.
Trên cơ sở đó, việc xác định có hành
vi VPHC xảy ra hay không cần phải làm rõ nội dung: Hội đồng NVQS cấp xã đã thực
hiện đầy đủ, đúng trình tự thủ tục quy định về phổ biến pháp luật về NVQS và
gọi công dân đăng ký NVQS, về quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, về
giao lệnh gọi nhập ngũ hoặc/và lệnh gọi khám sức khỏe… hay chưa? Thanh niên
trong độ tuổi thực hiện NVQS đã đăng ký NVQS tại UBND cấp xã hoặc cơ quan, đơn
vị theo quy định đã được phổ biến quy định pháp luật về thực hiện NVQS, về
nghĩa vụ phải chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ hay
không?
Trường hợp Hội đồng NVQS cấp xã đã
thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục theo quy định thì đủ cơ sở để thực hiện việc
xử phạt VPHC, không cần thiết phải chứng minh thanh niên đó có biết rõ mình đã
có lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập ngũ hay chưa. Sau khi xác
định có hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe hoặc/và lệnh gọi nhập
ngũ, vi phạm quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực có liên quan, thì người
có thẩm quyền phải kịp thời tiến hành xử lý. Đồng thời, căn cứ vào các
Nghị định chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm cụ thể và ban hành quyết
định xử phạt VPHC./.
Hải
Lam Phương