Tiềm năng từ mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên
Lượt xem: 8440


(binhthuan.gov.vn) Bình Thuận là tỉnh thuộc duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước. Tuy nhiên, với sự đa dạng, khác biệt về khí hậu và địa hình của tỉnh Bình Thuận đã tạo nên các kiểu trạng thái rừng khác nhau như: Rừng gỗ lá rộng thường xanh, Rừng tre nứa, Rừng gỗ lá kim, Rừng hỗn giao gỗ - tre, nứa…. hay đặc trưng là Rừng gỗ lá rộng rụng lá (còn gọi là Rừng khộp). Đặc biệt là tạo nên sự đa dạng, tiềm năng phát triển cho các loài cây thực vật nói chung và các loài cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên nói riêng phân theo từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài dược liệu, mỗi loài được phân bố và tập trung ở những khu vực và trạng thái rừng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu để có giải pháp vừa đảm bảo khai thác sử dụng có hiệu quả vừa bảo tồn được nguồn gen rất cần thiết. Đơn cử khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố của các loài như cốt toái bổ, ba kích, sâm bố chính, xáo tam phân, mật nhân, bụt giấm. Ngoài ra, dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố của nhiều loài nấm linh chi; Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông tại huyện Tánh Linh có củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, lan kim tuyến; khu vực huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm… Với các loài dược liệu đa dạng đó, tiềm năng phát triển và nhân rộng rất lớn, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội nếu có sự nghiên cứu, đầu tư kịp thời.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng từ vốn sự nghiệp lâm nghiệp. Anh Phạm Đức Huy Hoàng - một kỹ sư lâm nghiệp, thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường đang được giao phụ trách, theo dõi và thực hiện mô hình “Trồng dược liệu dưới tán rừng” với 0,2 ha nấm linh chi dưới tán rừng lim tự nhiên thuộc lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét.

Anh Hoàng cho biết, việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu đối với các loài cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ như Nấm linh chi (Nấm lim xanh), Sâm bố chính, Khoai mài (Hoài sơn) dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm phân tích, đánh giá hiệu quả của mô hình và triển vọng để nhân rộng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức của người dân địa phương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ cho người dân. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Ngoài trồng nấm linh chi tại khu vực rừng tái sinh xã Hàm Cần, còn có 0,1 ha nấm dưới tán rừng tự nhiên ở tiểu khu 257, xã Mỹ Thạnh. Theo thạc sĩ Phạm Đức Huy Hoàng, điểm này thuộc địa phận rừng giao khoán bảo vệ rừng của đồng bào, nên chủ yếu nhờ bà con giáp ranh bảo vệ. Vừa vun lại gốc cây bị xói lở sau mưa, bên cạnh đó, rừng tự nhiên xã Mỹ Thạnh có sự phân bố nhiều của loài nấm linh chi, dược chất cao. Vào mùa mưa, người dân sẽ vào rừng thu hái nấm linh chi để sử dụng hoặc bán.

Bà Lê Thị Kim Liên, một thương lái chuyên thu mua nấm linh chi tại Mỹ Thạnh cho hay, nấm linh chi đỏ tự nhiên được bà thu mua với giá 300.000 đồng/kg tươi. Sau khi phơi khô (khoảng 4,5 kg nấm tươi được 1 kg nấm khô), bà bán ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng/kg. Đó là giá bán của nấm linh chi tự nhiên, còn với nấm linh chi ươm giống dưới tán rừng, theo báo giá thu mua của đơn vị cung ứng phôi nấm cho mô hình, mỗi kg nấm khô (15%) có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.

Mới đây tại Hội thảo “Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng”, tiến sỹ Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận cho biết: Hiện nhu cầu sử dụng cây dược liệu ở nước ta ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng từ trồng và khai thác chỉ mới đáp ứng được khoảng 30%, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh hiện trên 288.564 ha và rừng trồng hơn 47.568 ha, độ che phủ rừng tới 43%. Dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như sáo tam phân, mật nhân, huyết rồng, nấm lim xanh… Với tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, sẽ mở ra hướng đi mới, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân gần rừng. Về lâu dài, cần có nghiên cứu về nhu cầu của thị trường, có sản phẩm chế biến phù hợp, đảm bảo đầu ra vừa tiêu thụ được trong nước, vừa hướng đến xuất khẩu.

Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 07/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề cương xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 tại Quyết định số 2013/QĐ-UBND ngày 27/9/2022.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, về mục tiêu trước mắt, cần xây dựng và triển khai thực hiện cụ thể, có hiệu quả Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 trên tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 07/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cần có giải pháp cân đối hợp lý nguồn vốn để thực hiện. Đồng thời, phải lồng ghép vào các chính sách đầu tư của Trung ương, địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện các Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng của các loài cây dược liệu có giá trị, trên cơ sở đó, sẽ triển khai nhân rộng đến các tổ chức, người dân hoặc trên cơ sở cùng hợp tác để chia sẻ lợi ích. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo sự ổn định, xuyên suốt, thống nhất giữa các khâu “Trồng, chăm sóc - Khai thác - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm” để tránh các trường hợp được mùa, mất giá như các loại sản phẩm nông nghiệp khác.

Có thể thấy, với điều kiện tự nhiên đa dạng, các loài cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên rất phong phú tạo nên tiềm năng rất lớn cho tỉnh Bình Thuận trong việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, cả trong việc bảo tồn phát triển các diện tích đã có sẵn ngoài tự nhiên và thực hiện trồng mới các loài dược liệu quý hiếm, có giá trị về dược liệu và kinh tế.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1