Trung tâm IOC - Bước đột phá trong chuyển đổi số của thành phố Phan Thiết

(binhthuan.gov.vn) Chuyển
đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động mạnh mẽ đến
tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và mở ra nhiều cơ hội điều kiện
để các địa phương bức phá vươn lên. Một trong những giải pháp mới đó là việc
đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm điều hành Đô thị thông minh (IOC). Đây là kết
quả của sự quyết tâm của thành phố Phan Thiết trong việc thực hiện Nghị quyết số
10 Tỉnh ủy Bình Thuận về chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu là địa
phương trọng điểm, hình mẫu thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Ngày 18/3/2022, Tỉnh ủy Bình Thuận
đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh Bình Thuận đến năm
2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có quan điểm đẩy mạnh chuyển đổi số
theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; lấy người dân, doanh
nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; ứng dụng nền
tảng số hướng đến nâng cao chất lượng sống của Nhân dân và sự phát triển của
doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm
vụ Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra, ngày 04/05/2022 UBND tỉnh ban hành
Kế hoạch số 1282/KH-UBND với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo Kế hoạch, Bình
Thuận đang nỗ lực xây dựng chính quyền số, gắn liền với cải cách thủ tục hành
chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, tất
cả hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Phan Thiết là địa phương đầu tiên
của tỉnh Bình Thuận thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, sự ra đời
này đã tạo sự đột phá phát triển toàn diện. Theo UBND thành phố Phan
Thiết, thành phố đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
Viettel triển khai xây dựng giai đoạn thí điểm Trung tâm Điều hành Đô thị thông
minh với tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và lắp đặt
đưa vào sử dụng Wifi công cộng tại 2 công viên Võ Văn Kiệt và Đồi Dương với hơn
15.000 lượt truy cập hằng ngày.
Trung tâm Điều hành đô thị thông
minh thành phố Phan Thiết vận hành chính thức bao gồm 9 phân hệ: Hệ thống Phản
ánh hiện trường; hệ thống Báo cáo kinh tế xã hội; hệ thống Giám sát thông tin
báo chí, truyền thông trên không gian mạng; hệ thống Camera giám sát an ninh trật
tự; hệ thống Giám sát lĩnh vực Y tế; hệ thống Giám sát lĩnh vực Giáo dục và Đào
tạo; hệ thống Camera giám sát vi phạm giao thông; hệ thống Du lịch thông minh
và hệ thống Giám sát dịch vụ công. Tất cả được tối ưu, điều chỉnh theo nhu cầu,
đặc điểm, thực trạng của thành phố, giúp sử dụng nguồn lực của địa phương một
cách tối ưu nhất, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp từ đó nâng cao công
tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cũng như tăng mức độ hài lòng của
người dân.

Đặc biệt, thành phố Phan Thiết
đang tập trung vận hành Hệ thống Phản ánh hiện trường, được gọi là “Phan Thiết-S”
- là ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên nền
tảng số. Phòng điều hành tại Trung tâm IOC Phan Thiết sẽ giám sát toàn bộ các
hoạt động của thành phố qua hệ thống camera tầm cao và các camera an ninh trên
tất cả 18 phường, xã phục vụ sự chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố.
Thông qua “Phan Thiết- S”, mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh, kiến
nghị về các mặt đời sống xã hội đến chính quyền thành phố từ an ninh trật tự,
trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, rác thải; tham gia giám sát mọi hoạt động của
chính quyền thành phố…
Theo ông Nguyễn Quốc Duy - Chủ tịch
UBND phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết, hiện địa phương đã bước đầu sử dụng ứng
dụng “Phan Thiết-S” để giải quyết công việc. Trong quá trình UBND phường sẽ
phân công cán bộ công chức theo dõi tiếp nhận thông tin và tham mưu cho lãnh đạo
UBND phường giải quyết qua kênh thông tin phản ánh hiện trường của thành phố.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ làm
việc tại phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết cho biết việc sử dụng ứng dụng
“Phan Thiết-S” có rất nhiều tiện ích, người dân không phải trực tiếp đi đến cơ
quan chức năng để phản ánh mà chỉ cần truy cập vào ứng dụng để phản ánh sự việc,
trong thời gian ngắn sẽ được giải quyết.
Thành phố Phan Thiết có các thách
thức và khó khăn đang phải đối mặt như: Phải nâng cao năng lực cạnh tranh và
thu hút nguồn lực phát triển; quy hoạch đáp ứng với tình hình dân số đô thị gia
tăng; yêu cầu về chất lượng phục vụ và các dịch vụ của người dân, doanh nghiệp
ngày một cao hơn cũng như du khách trong và ngoài nước; nhu cầu tham gia vào việc
góp ý, giám sát và xây dựng thành phố của người dân. Trung tâm điều hành đô thị
thông minh nhằm cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề liên quan để hỗ trợ
cho các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý, kiểm
soát, nắm bắt thông tin hiện trường để trực tiếp chỉ đạo. Đây cũng là bước đột
phá trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý
Nhà nước, tạo điều kiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ tiện
ích nhất, giảm chi phí và phiền hà; huy động được mọi nguồn lực đóng góp cho
kinh tế - xã hội thành phố Phan Thiết phát triển nhanh và bền vững hơn.
Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch
UBND thành phố Phan Thiết cho biết: Triển khai Trung tâm IOC, thành phố Phan
Thiết đang tiến tới một chính quyền năng động - chính quyền số, hướng tới một
chính phủ điện tử như mục tiêu mà Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển
đổi số của tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trung tâm IOC
Phan Thiết là bước đi đầu tiên của chính quyền thành phố nhằm tiến tới cải thiện
Chỉ số Cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự
phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số Năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh, chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh... tiến tới
mục tiêu cuối cùng là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp Nhân
dân thành phố; góp phần đưa thành phố Phan Thiết trở thành đô thị thông minh của
tỉnh Bình Thuận.
Có thể nói, chuyển đổi số quản lý
đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu hình thành
nên đô thị thông minh. Quá trình này kế thừa từ phát triển chính quyền điện tử,
đô thị thông minh, lấy dữ liệu là trung tâm, trong đó, Trung tâm Điều hành đô
thị thông minh chính là trái tim, đóng vai trò nền tảng tích hợp, đảm bảo kết nối
được với các thành phần của đô thị thông minh, cung cấp cái nhìn tổng thể theo
thời gian thực đối với nhiều lĩnh vực, dịch vụ.
Sự ra đời của Trung tâm Điều hành đô
thị thông minh thành phố Phan Thiết là một minh chứng rõ ràng nhất cho quyết
tâm của địa phương trong công cuộc chuyển đổi số. Trung tâm IOC được kỳ vọng
giúp chính quyền có cái nhìn cụ thể đối với từng kết quả chỉ đạo, điều hành thực
tế của từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người
dân, doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TT Dân