20/03/2023
Ứng dụng chuyển đổi số để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng
Lượt xem: 1086

(binhthuan.gov.vn) Chuyển
đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Xác định được tầm
quan trọng của chuyển đổi số, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng và vận
hành Hệ thống công nghệ thông tin quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu chuyển đổi
số toàn diện lực lượng quản lý thị trường theo định hướng chung của Bộ Công
Thương.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh
Bình Thuận đã tăng cường triển khai, ứng dụng nhiều phần mềm để ngăn chặn tình
trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Thông
qua việc cập nhật tất cả các dữ liệu lên Hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành
chính (INS) theo từng quy trình, với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau
nên việc xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đảm bảo
minh bạch, chính xác; bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ giảm thiểu được ngân sách rất
lớn cho khoản in mẫu ấn chỉ sẵn. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường đã ứng dụng phần
mềm INS cập nhật được 10.841 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn
tỉnh để quản lý, trong đó có 1.302 tổ chức và 9.539 cá nhân; cập nhật toàn bộ hồ
sơ kiểm tra và xử lý vụ việc trên Hệ thống INS theo quy định một cách nhuần
nhuyễn và tự tin với từng thao tác của Hệ thống.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức, cá
nhân vẫn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn
bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp
thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng… Trong hai năm 2021 - 2022, Cục
Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử,
phát hiện và xử lý 06 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và
bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng; tịch thu nhiều
sản phẩm hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất
xứ.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị
trường sẽ tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng
nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong đó, tập trung thực
hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống
hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí
tuệ giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan có liên
quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại
điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tiếp
nhận phản ánh, tố cáo về hàng hóa vi phạm; đặc biệt là phản ánh trực tuyến
thông qua cổng thông tin trực tuyến của Cục Quản lý thị trường, mạng xã hội, đường
dây nóng.
Nguyễn Phương