image banner
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Lượt xem: 449

(binhthuan.gov.vn) Từ tháng 11/2024, nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực như: Quy định mới về điều kiện thành lập hội; hình thức giám sát Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; mức phạt với hành vi xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng...

Hình thức giám sát Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ

Từ 15/11, Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 "Hình thức giám sát của nhân dân". Trong đó, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài ra, việc giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ quy định, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng bị phạt tới 30 triệu đồng

Nghị định 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.

Nghị định sửa đổi, bổ sung hình thức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam...

Đối với hành vi nêu trên, Nghị định bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng.

Quy định mới về điều kiện thành lập hội

Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP, việc thành lập hội từ ngày 26/11/2024 phải đảm bảo các điều kiện: Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện: Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật. Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này. Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác; có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội…

Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ

Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.

Thông tư 53 áp dụng đối với: Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg.

Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Với hai đối tượng trên, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.

Theo Thông tư, kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chi trả cho đối tượng./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1