
(binhthuan.gov.vn) Là một
hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại, thương mại điện tử đem lại nhiều lợi
ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Với sự phát triển của mạng
lưới viễn thông, internet, sự ra đời của nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến
và xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến đã tạo điều kiện để tỉnh ta
thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.
Chuyển biến rõ nét
Nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/05/2020 về
phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn
2021-2025; tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1771/QĐ-UBND ngày 03/8/2020
về ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn
2021-2025; theo đó, tỉnh xác định nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử là trọng
tâm và xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; luôn quan
tâm đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, tăng cường năng lực dự báo, giới
thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường
(cả thị trường nội địa và xuất khẩu).
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công
thương cho biết, thực hiện Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh,
thời gian qua, ngành Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của thương mại
điện tử đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; phổ biến kỹ năng ứng dụng thương
mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ sinh thái xúc tiến
thương mại số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng khả
năng, điều kiện của từng đơn vị. Nhờ đó, những năm gần đây, thương mại điện tử
trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét.
Đến nay, đã có 54 cơ sở và 152 sản
phẩm của doanh nghiệp 03 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng được cập nhật
lên sàn thương mại điện tử hỗ trợ kết nối giao thương 03 tỉnh (địa chỉ www.sanphamdiaphuong.com.vn) nhằm
giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của doanh nghiệp, cơ sở
mình. Tỉnh cũng thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phát triển bộ
thương hiệu trực tuyến, bao gồm thiết lập 02 website, hệ thống email, 02
fanpage trên Facebook,… để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng online bằng
phương pháp tiếp thị đa kênh. Ngoài ra, hỗ trợ 12 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh,
sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo
mã truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho các sản phẩm của mình, góp phần minh bạch
sản phẩm; đồng thời bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, tạo lòng tin
cho người tiêu dùng.

Một số sản phẩm tiêu biểu của Bình
Thuận trên sàn thương mại điện tử
Ngành Công thương cũng thường
xuyên kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với
các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã hỗ trợ cho 07 doanh nghiệp tỉnh tham
gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử Shoppee, Lazada,
Tiki, Sendo tại Hội nghị Kết nối cung cầu thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; hỗ trợ
các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển thương
mại điện tử, xây dựng website bán hàng; đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham
gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn.
Việc triển khai ứng dụng thương mại
điện tử đã hỗ trợ khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng
cường đầu tư thực hành ứng dụng, phát triển các hoạt động thương mại điện tử nhằm
nâng cao hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ cách mạng
công nghiệp 4.0. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã thực hiện đăng ký/thông
báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Để thương mại điện tử phát triển
hơn nữa
Theo đánh giá của Sở Công thương, tỷ
lệ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vẫn còn ở mức khiêm tốn, hiệu
quả chung về ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử ở các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, do người sử dụng chưa quen với
cách mua bán online qua mạng mà vẫn theo kiểu kinh doanh mua bán truyền thống.
Mặt khác, doanh nghiệp vẫn còn hoạt động đơn lẻ, chưa tìm cách kết nối với những
trang mạng xã hội có sức hút khách hàng lớn. Nhiều doanh nghịêp lập trang web
chỉ để giới thiệu, thiếu sự chăm sóc và khai thác thế mạnh của thị trường công
nghệ thông tin và thương mại điện tử…
Để phát triển thương mại điện tử,
các cấp, các ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực
hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn
vị.
Theo Giám đốc Sở Công thương, hiện
nay, Sở đang phối hợp với Cục thương mại điện tử và Kinh tế số nâng cấp sàn thương
mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng để đảm bảo hoàn thiện hoạt
động của các tính năng sàn thương mại điện tử; đồng thời, đang triển khai phối
hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số kết nối sàn thương mại điện tử 3 tỉnh
với sàn hợp nhất www.sanviet.vn do Bộ Công Thương quản lý, hoạt động. Đây là cơ
hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh
ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ
sản phẩm.
Ngoài việc tăng cường quản lý,
giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng
trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp lành mạnh và thúc đẩy
thương mại điện tử phát triển, ngành Công thương cũng triển khai các chương
trình phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp, như: Các giải
pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); hợp đồng điện tử; thúc đẩy tiêu thụ sản
phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến
trên các sàn thương mại điện tử, tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường
xuất khẩu…
Ngành Công thương cũng quan tâm phát
triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo
về thương mại điện tử và kinh tế số; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến
giao dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử,
chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Võ Văn Hòa, phát triển
thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cần
có nhân viên chuyên trách về thương mại điện tử để đảm nhiệm các hoạt động kinh
doanh qua kênh thương mại điện tử, kết nối và thực hiện việc thường xuyên cập
nhật sản phẩm, hình ảnh, thông tin lên sàn thương mại điện tử; sử dụng các hình
thức quảng bá, tiếp thị thông qua những kênh thương mại điện tử khác nhau như
quảng cáo trực tuyến trên các báo điện tử, tối ưu hóa sự hiện diện trên các
website tìm kiếm nổi tiếng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử có uy tín
và tự xây dựng website riêng… Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng thương mại
điện tử để tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh. Tích cực tham gia bán hàng
qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…
TT Dân